Hiệu quả trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Các cơ quan, trường học trên địa bàn thực hiện tốt việc nuôi cá 7 màu để phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện U Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 10 ca SXH, giảm 18 ca so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả trên là nhờ thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo cho các trạm y tế các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống SXH, đồng thời đẩy mạnh giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, xử lý triệt để các ổ dịch SXH phát sinh, nhằm tránh lây lan ra diện rộng.

Bác sĩ Trương Minh Trắng, Trưởng trạm Y tế xã Nguyễn Phích, cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, ngay từ đầu năm, trạm đã tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống SXH sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời cũng hướng dẫn cho từng cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện mô hình nuôi cá 7 màu để diệt lăng quăng, tiến hành ra quân diệt lăng quăng vòng 1, tích cực tham gia Ngày ASEAN phòng chống SXH. Nhờ vậy mà từ đầu năm đến nay trên địa bàn chỉ xảy ra một ca SXH, đến nay xã cũng khống chế thành công ổ dịch này”.

Gia đình bà Nguyễn Mộng Cầm, ở Ấp 13, xã Nguyễn Phích, mặc dù không có trẻ nhỏ nhưng bà vẫn tuân thủ khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Bởi theo bà Cầm, dịch SXH có thể lây sang bất cứ người nào, chứ không phải chỉ có trẻ nhỏ, nên thực hiện các biện pháp phòng tránh vẫn là hiệu quả nhất. Bà Cầm chia sẻ: “Mình cũng dọn dẹp xung quanh nhà ngăn nắp, gọn gàng, các vật dụng chứa nước cũng cần theo dõi cọ rửa thường xuyên, nuôi cá lia thia, cá 7 màu để diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, gia đình cũng thực hiện ngủ mùng”.

Theo ngành chuyên môn, mùa mưa là mùa cao điểm xuất hiện dịch SXH, bởi vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loại côn trùng gây bệnh phát triển, trong đó, có muỗi vằn truyền bệnh SXH và Zika nên ngành Y tế huyện U Minh vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn, phối hợp tốt với các xã, thị trấn đẩy mạnh các giải pháp phòng chống dịch SXH, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch SXH xảy ra trên địa bàn.

Các trạm y tế xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân.

Bác sĩ Lâm Hữu Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện U Minh: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ chỉ đạo cho các Trạm Y tế xã tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, nếu có xảy ra ổ dịch mới phải xử lý triệt để ngay, chứ không để tới độ C thì mới xử lý, nhằm tránh để lây lan trên diện rộng, đẩy mạnh thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng vòng 3, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi tuyên truyền trong các trường học để học sinh trở thành tuyên truyền viên cho gia đình về công tác phòng chống SXH, để công tác này được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất”.

Để phòng chống dịch bệnh SXH hiệu quả ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức dọn dẹp môi trường xung quanh nhà sạch sẽ, hạn chế nơi trú ngụ cho muỗi sinh sản và phát triển, nên ngủ mùng ngay cả ban ngày, đồng thời tích cực nuôi cá lia thia, cá 7 màu để tiêu diệt lăng quăng, vì không có lăng quăng là không có SXH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *