Hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh dại

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc, là “thú cưng” đối với rất nhiều gia đình ở Cà Mau. Tuy nhiên, nếu không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành “thú dữ”, gây hại cho sức khỏe của người nuôi. Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa.

Người nuôi cần phải chủ động tiêm phòng dại cho chó.

Bệnh nguy hiểm

Vào lúc 8 giờ, ngày 28/7/2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận được tin báo từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về trường hợp bệnh dại. Qua điều tra tại bệnh viện và nhà bệnh nhân, trường hợp ghi nhận là ông N.V.Đ (sinh năm 1955, tạm trú tại Khóm 6, Phường 9, TP. Cà Mau) được bệnh viện chẩn đoán là bệnh dại (người nhà xin đưa bệnh nhân về nhà và đã tử vong lúc 9 giờ 30 cùng ngày). “Cách lúc nhập viện khoảng 3 tháng, nhà bệnh nhân có nuôi 2 con chó, trong đó 1 con có dấu hiệu bất thường và được nhốt lại, sau đó chó xổng chạy ra ngoài, chủ nhà bắt lại và bị cắn vào tay, chảy máu rất nhiều. Bệnh nhân thực hiện lấy nọc bằng biện pháp dân gian tại nhà, mà không đi tiêm phòng dại. Con chó cắn bệnh nhân khoảng 2 ngày thì được bán sang cho người khác để làm thịt ăn. Tuy nhiên, những người ăn thịt chó và người sống chung với bệnh nhân đều không có dấu hiệu của bệnh dại”, ông Võ Hoàng Chiến, Trưởng Khóm 6, thông tin.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo tăng cường phòng chống bệnh dại. Theo đó, các huyện, TP. Cà Mau trực tiếp chỉ đạo các xã, phường thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống bệnh dại ở người và động vật. Phối hợp với các ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, nhằm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút gây bệnh ở động vật có máu nóng và người. Nguồn mang mầm bệnh chủ yếu là chó, mèo nuôi và động vật hoang dã. Khi động vật mắc bệnh dại cào, cắn, liếm vào người, lây truyền qua tuyến nước bọt. Đối với con người, khi virút dại xâm nhập vào cơ thể được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết là một điều tất yếu. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiêm được trên 2.000 mũi phòng dại cho người.

Đối với người, thời gian ủ bệnh thông thường là 1 – 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn, nếu không được tiêm ngừa đầy đủ thì mức độ tử vong càng cao.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân cho biết thêm, đối với động vật sau khi nhiễm virút dại có thời gian ủ bệnh khác nhau tùy thuộc loài, động lực của vết cắn. Thời gian ủ bệnh ở con vật có thể kéo dài đến vài tuần, vài tháng, có thể lâu hơn, nhưng nước bọt đã từ 10 – 15 ngày thì có thể gây nhiễm cho người, gia súc khác qua vết cào, cắn, liếm…

Tiêm ngừa – biện pháp tốt nhất để phòng bệnh

Sự nguy hiểm của bệnh dại đã được thấy rõ. Theo nhận định của Bác sĩ Trần Quang Dũng, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, bệnh dại ở người rất hiếm gặp, nhưng một khi đã mắc phải thì tỷ lệ tử vong là 100%, ngay cả các nước tiên tiến nhất thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị căn bệnh này. Đối với những con vật như chó, mèo… mang bệnh dại khi cắn vào người, thì sẽ chắc chắn mang bệnh dại.

Thêm nữa, khi con vật bị nhiễm virút dại thường không lên cơn dại, một khi lên cơn dại thì sẽ cắn lung tung, sau khi cắn sẽ chết trong vòng 1 – 2 ngày. Vì vậy khi bị chó, mèo dại cắn thì phải theo dõi, nếu như con vật chết trong khoảng thời gian đó thì con người sẽ mang bệnh dại. Vì vậy, biện pháp tốt nhất là tiêm ngừa dự phòng dại ngay khi bị chó, mèo… cắn.

Do bệnh dại xuất phát từ nguồn chó, mèo nuôi tại địa phương, nên công tác phối hợp với thú y cơ sở còn hạn chế, một phần do ý thức người dân còn kém, chủ quan với bệnh dại nên tỷ lệ tiêm phòng dại ở tỉnh Cà Mau rất thấp.

Trong vòng hai năm trở lại đây, mỗi năm từ 3 – 4 lần, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đều ra quân bắt chó dại, chó hoang… không chủ và xử phạt những gia đình nào nuôi chó không an toàn, tránh lây truyền bệnh dại sang các con vật khác. Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục Trưởng cho biết, thực hiện chương trình khống chế bệnh dại đến năm 2021, với tỷ lệ đạt trên 80% bằng cách tiêm ngừa miễn phí tất cả chó, mèo… trên địa bàn tỉnh. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh dại từ vật nuôi.

Để phòng, chống bệnh dại từ vật nuôi, ông Nguyễn Thành Huy khuyến cáo, người nuôi nên đăng ký việc nuôi chó, mèo tại địa phương. Nên xích, nhốt, giữ trong khuôn viên gia đình; đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu đến nguời xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, hoặc xích giữ chó cho người dắt. Người nuôi phải chấp hành tiêm vắcxin phòng dại theo quy định.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân lưu ý: Khi bị chó, mèo cắn, cào… cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Và đến ngay dịch vụ tiêm ngừa gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *