“Hiệu ứng” tốt đẹp từ báo chí

Tại Xã Khánh Bình Tây, mỗi sáng thứ sáu, toàn cơ quan tập trung lại và dành khoảng 30 phút để đọc báo, trao đổi thông tin.

CÔNG CỤ ĐẮC LỰC TRONG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Dẫn chúng tôi đến phòng đọc báo của cơ quan, ông Đoàn Chí Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, phấn khởi liệt kê các loại báo mà hàng tuần, hàng tháng đơn vị đặt: Báo Nhân Dân, Báo ảnh Đất Mũi, Báo Cà Mau, Báo Nông thôn ngày nay… Ông Tâm cho biết, không phải chỉ đặt theo phong trào mà hàng tuần, mỗi sáng thứ sáu, toàn cơ quan tập trung lại và dành khoảng 30 phút để đọc báo, trao đổi thông tin thời sự, chính trị trong tỉnh và cả nước. Việc làm này đã duy trì được khoảng một năm nay, nhận được sự đồng tình cao của cán bộ, công chức; các cấp lãnh đạo khen ngợi.

Trong công tác điều hành, chỉ đạo thực hiện các chương trình công tác, văn bản chỉ đạo của huyện và nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của xã Khánh Bình Tây, các phương tiện thông tin đã cung cấp cho địa phương nhiều nội dung bổ ích, góp phần rất lớn vào thành tựu chung của xã. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng qua đi đúng hướng, thu ngân sách đạt gần 50%; công nghiệp chế biến hoạt động ổn định, doanh thu khoảng 65 tỷ đồng; sản lượng lúa và diện tích xuống giống hè thu, diện tích rau màu đạt chỉ tiêu…

Gia đình ông Thạch Dân tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá bổi qua chương trình ti vi.

Khẳng định vai trò quan trọng của báo chí đối với địa phương và việc đọc báo hàng tuần mang lại hiệu quả thiết thực, UBND xã giao nhiệm vụ hẳn cho một cán bộ phụ trách nhận báo từ Bưu điện Văn hóa xã và phân phát xuống các chi bộ. Ngoài các đầu báo nêu trên, toàn xã còn có 11 điểm cung cấp dịch vụ truy cập Internet băng thông rộng công cộng. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, xã chỉ đạo lồng ghép nội dung phân tích các thông tin thời sự, chính trị trong tháng, để tuyên truyền trong dân các chủ trương, chính sách mới và vấn đề thời sự nóng bỏng. Đơn cử, tình hình căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển đặc quyền của nước ta. Qua theo dõi thông tin trên báo, đài, lãnh đạo xã chỉ đạo các chi bộ tổ chức họp dân, kịp thời trấn an, động viên bà con an tâm lao động, sản xuất.

Ông Tâm cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các bí thư chi bộ phải theo dõi và cập nhật thông tin hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm tình hình và có chỉ đạo sát sao, làm sao để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nhân dân tin tưởng, chấp hành tốt, góp phần làm cho “ý Đảng, lòng dân” hòa làm một. Kết quả 18/22 chi bộ đạt Trong sạch vững mạnh trong năm 2013, đã minh chứng cho vai trò định hướng xã hội của báo chí rất lớn”.

Dù ra khơi hay cập bến, chiếc radio và máy thông tin báo bão luôn là người bạn đồng hành của ông Chiến.

CỔ VŨ MỌI MẶT ĐỜI SỐNG

Xã Khánh Bình Tây đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm đạt thêm 2 tiêu chí. Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong xã, còn có vai trò rất lớn từ các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền về tính tích cực của chương trình, đặc biệt là những cách làm hay, sáng tạo của từng địa phương trong xây dựng nông thôn mới để nhân rộng, nhất là các mô hình kinh tế hiệu quả.

Khánh Bình Tây là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer với 428 hộ, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng khởi sắc, nhà nào cũng có phương tiện nghe nhìn, Báo ảnh Đất Mũi bản song ngữ Việt-Khmer được phát tận nơi. Qua thông tin báo, đài, bà con nơi đây ngày càng học hỏi được nhiều điều hay từ xây dựng đời sống văn hóa đến cung cách làm ăn, không còn trông chờ, ỷ lại. Có 7 ao cá bổi sắp thu hoạch, ông Thạch Dân không giấu vẻ vui mừng, kể: “Hai năm trước, gia đình tôi còn là hộ nghèo của ấp Đá Bạc A. May nhờ học được nghề làm khô cá bổi và kỹ thuật ép cá, nuôi cá bổi trên ti vi, trên báo, gia đình tôi đã áp dụng thành công, nhờ đó đã mua được 7 công đất. Bốn người con trai của tôi sau thời gian lao động xa nhà đã trở về phụ giúp gia đình phát triển kinh tế”.

Còn đối với dân đi biển ở ấp Kinh Hòn, các phương tiện thông tin đã hỗ trợ tích cực cho ngư dân trong những chuyến ra khơi đánh bắt. Ông Huỳnh Văn Chiến, người có thâm niên trên 20 năm gắn bó với biển, bộc bạch: “Nhờ theo dõi báo, đài mà dân đi biển như chúng tôi có thể chủ động đề phòng mưa to, sóng dữ”. Dù ra khơi hay cập bến, chiếc radio và máy thông tin báo bão luôn là người bạn đồng hành của ông Chiến. Ngoài nghe để nắm bắt diễn biến của thời tiết, ngư dân còn nắm thông tin giá cả thị trường các mặt hàng hải sản, không sợ bị thương lái ép giá.

Ông Đoàn Chí Tâm: “Việc đăng tải gương người tốt việc tốt, mô hình kinh tế hiệu quả, những thông tin khoa học – kỹ thuật bổ ích… đã giúp bà con tìm đến tham quan, học hỏi và áp dụng thành công, cũng như việc đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đơn cử như làng nghề làm khô bổi, hơn 17 hộ nơi đây đã có máy sấy khô, không còn phụ thuộc vào thời tiết như trước, từ những hộ nghèo họ đã vươn lên khá. Thu nhập bình quân đầu người đạt tương đối, 19,5 triệu đồng/người năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 6,69% (giảm 2,2% so với đầu năm 2013), an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…”.

Xã Khánh Bình Tây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa thứ 3 của huyện Trần Văn Thời, sau thị trấn Trần Văn Thời và thị trấn Sông Đốc. Trong tương lai gần, xã trở thành đầu mối kinh tế quan trọng của khu vực phía Bắc tỉnh Cà Mau. “Trên cơ sở đó, báo chí trong tỉnh sẽ tiếp tục là công cụ đắc lực kêu gọi đầu tư vào các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện và các vùng lân cận”, ông Tâm khẳng định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *