Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp giới thiệu một số nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (gọi tắt là Luật năm 2020).

Theo đó, Luật năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật gồm 2 Điều; sửa đổi, bổ sung 54 Điều về nội dung và 14 Điều về kỹ thuật của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản, như: Tiếp tục khẳng định và quy định cụ thể hơn cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản QPPL; bổ sung và làm rõ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL; sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của cấp huyện, cấp xã; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của các cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; quy định về thủ tục hành chính trong văn bản QPPL; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao chất lượng dự thảo văn bản QPPL…

Hội nghị còn quán triệt Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL; đồng thời trao đổi, thảo luận một số vấn đề có liên quan.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL ra đời sẽ góp phần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành văn bản QPPL. Đồng thời tăng cường trách nhiệm, hiệu quả của từng cơ quan và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật năm 2015.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *