Học Bác để sống có ý nghĩa hơn

Tiên phong thực hiện và làm theo lời Bác để phát triển kinh tế là lão nông sản xuất giỏi cấp tỉnh, ông Trần Kim Quang (Tư Quang), ở ấp Ba Dinh. Có hơn 10 năm trồng rau, không ngại khó, ngại khổ, cứ khoảng 5 giờ sáng là vợ chồng ông bắt đầu ra đồng cắt rau mang ra bán ở chợ Phường 8. Bình quân mỗi ngày thu nhập hơn 500.000 đồng, nhờ vậy giờ vợ chồng ông đã có của ăn của để. Ông Tư Quang luôn quan niệm rằng, học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ và cũng là con đường để thoát nghèo, bởi vì khi đời sống được cải thiện, cũng là góp một phần vào xây dựng nông thôn mới.

Hay ở cùng ấp có ông Nguyễn Ngọc Thạch (Tám Thạch), là đảng viên ưu tú của chi bộ ấp, luôn tiên phong trong mọi phong trào, được mọi người dân kính trọng. Ông Tám Thạch nguyên là Chủ tịch UBND xã Định Bình, hiện ông là Chủ tịch Hội Thủy sản của xã. Học tập và làm theo lời Bác, ông Tám Thạch xác định: “Quan trọng nhất của một người đảng viên là phải năng động, sáng tạo; làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Từ kinh nghiệm thực tiễn, mình hướng dẫn cho bà con, anh em trong ấp, trong tổ… cùng làm”. Ông vận động bà con nông dân cùng thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước có sử dụng chế phẩm sinh học, liên kết với hợp tác xã để mua được con giống chất lượng tốt, cùng với anh em trong chi bộ, nhân dân… phát triển kinh tế.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Ngọc Thạch (Tám Thạch) còn làm tốt công tác hội trong vai trò Chủ tịch Hội Thủy sản của xã.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Thủy sản, ông Tám Thạch vận động bà con nuôi tôm phải tuân thủ các điều kiện của ngành chức năng; học hỏi kinh nghiệm từ những lớp tập huấn; ứng dụng công nghệ sinh học trong ao nuôi… Nhận thấy nguồn nước bên ngoài không đảm bảo điều kiện nuôi tôm công nghiệp, ông vận động bà con thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh. Với diện tích đất khoảng 4ha, ông nuôi thêm cá chình, cá bống tượng (khoảng 1.000m2)… nhờ chăm chỉ, mỗi năm ông Tám Thạch thu về hơn 150 triệu đồng.

“Trong xây dựng nông thôn mới, đường làng, xây cầu… chỗ nào khó khăn, vận động thì tôi sẵn sàng giúp 5, 10 bao xi-măng; làm lộ thì giúp 5, 7 trăm ngàn đồng… Lúc nào mình có thì mình giúp; làm việc gì giúp cho xã hội và người nghèo thì mình cứ làm”, ông Tám Thạch bộc bạch.

Với hơn 2ha đất sản xuất (nuôi tôm quảng canh), vợ chồng ông Trần Kim Quang dành khoảng 80m2 để trồng rau, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ giỏi về phát triển kinh tế mà ở tuổi 65, ông Tám Thạch tham gia Hội Từ thiện tự nguyện tỉnh Cà Mau. 9 năm làm công tác từ thiện, đứng ra làm thư ký, rồi đi vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân; đối với ông Tám Thạch, học Bác là để sống có ý nghĩa hơn cho đời, cho xã hội.

Hàng tháng, vào ngày 10, ông Tám Thạch cùng với các anh chị em trong hội Từ thiện tự nguyện tỉnh Cà Mau (hiện có 100 hội viên) tổ chức trao tiền cho từ 2 – 3 hộ nghèo, cận nghèo mà ông đã tự đến khảo sát ở các huyện, thành phố. Không con dấu, không trụ sở, không cơ quan, bình quân mỗi năm hội từ thiện giúp đỡ khoảng 20 hoàn cảnh.

Đối với nông dân xã Định Bình, điển hình là ông Tư Quang, ông Tám Thạch, học tập và làm theo lời Bác là hành trình xuyên suốt, nhờ đó mà đời sống nông dân xã ngày một đi lên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *