Học Bác để trở thành công dân tốt

Động lực vươn lên thoát nghèo

Ông Danh Hoành năm nay đã 62 tuổi, là hội viên Hội Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình). Sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu, năm 1997, gia đình ông đã chọn Cà Mau là quê hương thứ hai để lập nghiệp. Những năm đầu tích cóp, vợ chồng ông mua được hơn 2ha đất để làm ruộng, nhưng thời đó ruộng nương thất bát, đất toàn lau sậy, gia đình chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt và cả làm thuê, đời sống nhiều khó khăn. Theo ông chia sẻ, bản thân luôn trăn trở cách thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhưng động lực thực sự khiến ông mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm” để thoát nghèo là từ khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về tới xóm, ấp.

Là hội viên nông dân, tham dự các hội nghị của Chi hội Nông dân ấp, Hội Nông dân xã, các buổi sinh hoạt, được nghe triển khai nội dung các chuyên đề học Bác, bản thân ông Danh Hoành cũng tự mình tìm hiểu thêm các tài liệu viết về Bác. Ông nhận thức được rằng, học Bác là không phải học những điều cao xa mà là học đạo đức của một con người bình dị và gần gũi, ai cũng có thể học tập và làm theo để trở thành công dân tốt. Chính vì vậy, trong thời gian qua, ông luôn tâm niệm và nỗ lực thực hiện tốt việc học Bác, với phương châm là bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức; gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, người thân và bà con nhân dân trong xóm, ấp cùng học tập và làm theo gương Bác; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tích cực học tập, tự thân vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước…

Bà con xã Hàm Rồng nhận thức sâu sắc ý nghĩ việc học và làm theo Bác, lấy đó làm cẩm nang trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương.

Được tiếp thêm động lực từ việc học Bác, quyết tâm vươn lên, ổn định cuộc sống trên quê hương thứ hai, ông Danh Hoành đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất; đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất giỏi tại các địa phương khác để có thêm kinh nghiệm. Tích lũy được kiến thức, ông động viên vợ con cố gắng lao động, cải tạo diện tích đất sản xuất, chuyển dịch sang nuôi tôm khi Nhà nước có chủ trương chuyển dịch vào năm 2000. Sau đó, kinh tế gia đình dần dần ổn định. Không dừng lại đó, ông Hoành còn mạnh dạn đào ao nuôi thêm cá chình, cá bống tượng, rồi nuôi heo, nuôi ếch, nuôi rắn và tận dụng diện tích đất trống quanh nhà trồng cây ăn trái, hoa màu; thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, bản thân ông cùng gia đình luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào thi đua do xã, huyện phát động, động viên giáo dục con cháu chăm ngoan học giỏi, không mắc các tệ nạn xã hội; tích cực lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Chính vì vậy, nhiều năm liền, gia đình đều đạt “Gia đình văn hóa”; riêng ông Danh Hoành nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Cẩm nang trong lao động và công tác

Ông Huỳnh Công Định, Bí thư Chi bộ ấp Chống Mỹ B (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), chia sẻ: “Tôi luôn xác định bản thân phải thường xuyên học tập và noi theo phẩm chất đạo đức cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, vận động gia đình và bà con xung quanh nhận thức đúng đắn về sự cần thiết phải học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương của Bác để làm cẩm nang trong lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình, đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương, đất nước”.

Ở tuổi 60, ngoài hoàn thành tốt công tác ở địa phương, ông Định vẫn hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Với kiến thức từ các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề ngắn hạn, từ báo đài, ông mạnh dạn áp dụng thực hiện các mô hình nuôi sò, cua, tôm, đạt lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn tận dụng đất trống quanh nhà trồng chuối, dừa, rau màu, nuôi cá… vừa sử dụng trong gia đình vừa tăng thêm thu nhập. Cách tổ chức sản xuất của ông Định trở thành mô hình điểm để nhân rộng cho người dân địa phương. Nhiều người dân ở ấp cũng đã quá quen hình ảnh Bí thư Chi bộ ấp Huỳnh Công Định cùng xắn tay tham gia sửa chữa lộ giao thông nông thôn, vệ sinh tuyến lộ; gia đình đi đầu thực hiện và vận động bà con đóng góp, ủng hộ các nguồn quỹ ý nghĩa tại địa phương…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *