Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ

Bác Hồ nói chuyện với Giáo sư Trần Hữu Tước và các đại biểu trí thức là đại biểu Quốc hội, năm 1964. Ảnh: Tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành…”. Nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Do đó, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ, theo Người, là phẩm chất đạo đức. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. “Đức là gốc”. Đức sẽ bảo đảm cho tài năng được sử dụng đúng đắn. Cán bộ cấp càng cao thì tiêu chuẩn đạo đức càng phải chuẩn mực. Có đức rồi thì phải chú trọng cả tài năng, vì tài năng bảo đảm cho khả năng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ phải có tài (năng lực); cán bộ phải thành thạo về chính trị và giỏi về chuyên môn, phải vừa “hồng” vừa “chuyên” và cho rằng, người cán bộ có đức, có tài là người cán bộ có tác phong công tác, làm việc, sinh hoạt sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, mở rộng dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Trong từng giai đoạn phát triển của cách mạng, những tiêu chuẩn ấy lại được Người bổ sung và cụ thể hóa cho phù hợp với những yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đang đặt ra.

Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vai trò của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở vị trí tiên phong: “Cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Trong thực thi nhiệm vụ, người cán bộ luôn luôn phải nêu gương. Muốn có cán bộ tốt, phải làm tốt công tác cán bộ. Nội dung công tác cán bộ bao gồm: Tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Công tác tuyển chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Chọn được giống tốt ắt cây sẽ tốt. Việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: Tài và đức, nhưng đức là gốc.

Chủ tịch Hồ Chi Minh yêu cầu Đảng phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ. Năm 1947, Người viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó, chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Vì vậy, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Huấn luyện phải thiết thực và chu đáo. Huấn luyện, đào tạo tốt thì sẽ có một đội ngũ cán bộ tốt. Theo Người, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Muốn sử dụng cán bộ đúng, trước hết phải hiểu đúng, đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn sắp xếp cán bộ cho đúng. Công tác xem xét, đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng.

Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức ngày 12/7/2018. Ảnh: MỸ LINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà còn phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ…”. Đánh giá cán bộ phải hết sức khách quan, phải căn cứ các tiêu chí và kết quả thực tiễn công tác của họ. Đặc biệt, Người đòi hỏi những cán bộ cấp trên muốn hiểu đúng và đánh giá đúng cán bộ cấp dưới thì chính bản thân mình phải liêm chính, vô tư, công bằng, thẳng thắn”, không “yêu nên tốt, ghét nên xấu. Bản thân người lãnh đạo phải đúng đắn, gương mẫu, phải “giữ được mực thước”…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chừa chỗ dở. Nếu “không biết tùy tài mà dùng người”, chẳng khác gì “thợ rèn bảo đi đóng tủ, thợ mộc bảo đi rèn dao”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi đề cập đến vấn đề sử dụng cán bộ, Người đã viết: “Phải xem người ấy xứng đáng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ, cũng không được việc”. Trên báo Cứu quốc, số 58, ngày 4/10/1945, khi nói về việc dùng nhân tài, với bút danh Chiến Thắng, Người viết: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Đất nước ta không thiếu người có tài, có đức. Vấn đề là phải có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế, chính sách trong phát hiện, bồi dưỡng và đãi ngộ cho đúng. Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng người tài là lòng thiết tha thực sự cầu hiền, xuất phát từ tư tưởng nhân văn, dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì Tổ quốc trên hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời tiêu biểu nhất trong lĩnh vực trọng dụng người tài.

Sử dụng cán bộ có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của cán bộ và hiệu quả công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra những sai lầm trong công tác cán bộ như: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, không ưa những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình…

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc cất nhắc, đề bạt cán bộ nhất thiết phải “vì công tác, vì tài năng”, đặc biệt, khi cất nhắc, đề bạt cán bộ ở những cương vị lãnh đạo, phải thận trọng, chính xác, vì chức vụ càng cao, quyền hạn càng lớn thì tác động ảnh hưởng càng nhiều. Cất nhắc cán bộ không đúng là khuyết điểm lớn của người lãnh đạo, chẳng những khuyết điểm với tổ chức, mà còn là khuyết điểm với người được cất nhắc. Trong đội ngũ cán bộ, có lớp già lớp trẻ, lớp cũ lớp mới. Đảng phải có kế hoạch sắp xếp bố trí thật hợp lý để cho các lớp cán bộ có thể bổ sung cho nhau, phát huy cao nhất sự cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Về chính sách cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng phải yêu thương cán bộ”. Trong quá trình sử dụng cán bộ, Đảng phải kiểm tra giúp đỡ cán bộ. Làm tốt thì biểu dương, khen thưởng, làm dở thì chỉ bảo, hướng dẫn, có khuyết điểm thì nhắc nhở, phê bình, có sai lầm thì tùy mức độ mà xử phạt thích đáng. Mặt khác, phải giúp họ giải quyết những khó khăn trong đời sống và công tác. Đây là quan điểm thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta trong lịch sử hàng ngàn năm, là đỉnh cao của nghệ thuật dùng người, là tài sản vô giá đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là một hệ thống luận điểm toàn diện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn, đang được Đảng ta tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII, về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *