Hồi ức của nguyên Tư lệnh Hải quân về đánh thắng trận đầu

Tạc vào thế kỷ

Cho đến bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, kể từ khi bộ đội Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc đánh đuổi tàu khu trục Maddox khỏi vùng biển miền Bắc, những chiến sĩ Hải quân chiến đấu trên con tàu 161 ngày ấy, giờ đây đã trở thành “người lính già”, nhưng ký ức về trận đầu vang dội thì như mới hôm qua.

Ông Công quê ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Thời trai trẻ, ông khoác áo Hải quân bởi ông yêu biển, đảo và những con tàu. Những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội ở đảo Hòn Mê, Hòn Cát trên sông Lạch Trường là những tháng ngày đẹp đẽ nhất. Chính tình yêu Tổ quốc và tinh thần anh dũng đã làm nên vị Tư lệnh Hải quân tài ba thao lược. Ông nhớ lại: “Với ý đồ chiến lược, từ những ngày đầu tháng 8, lực lượng Hải quân Mỹ liên tục xâm phạm chủ quyền vùng biển của ta dọc bờ biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Thực chất là chúng dùng chiêu bài khiêu khích để ta mắc lừa. Biết không làm gì được nên sau đó chúng đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Ngày ấy tôi còn là chiến sĩ hàng hải, khi nói đến lái tàu đánh giặc là sướng lắm”.

Sự kiện này bắt đầu từ sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Chúng mở ra kế hoạch xâm lược Việt Nam với ý đồ leo thang đánh chiếm từng địa phương mà trọng điểm là ném bom Hà Nội, bằng những mưu kế nham hiểm: Tăng cường do thám bằng máy bay chiến lược U2, cho người trà trộn vào các làng mạc, bắt cóc người dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển. Đặc biệt ngày 2/8/1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục Maddox tuần tiễu ven biển miền Bắc để làm hậu thuẫn cho Hải quân ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ. Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh (tỉnh Quảng Bình). Đây là nơi cung cấp lực lượng chiến đấu và lương thực thực phẩm cho chiến dịch. Ngoài vùng biển phía Bắc, bộ đội Hải quân bố trí một số tàu tuần tiễu, tất cả các đơn vị chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Để đối phó và đánh bại cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc. Tại đây Người khẳng định: “Cuộc chiến tranh đặc biệt” của Mỹ là không thể tránh khỏi. Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sẽ phản đối chúng”, ông Công kể lại.

Phó Đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân Đỗ Xuân Công (phải) trong niềm vui được gặp lại đồng đội.

Một thời bất tử

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ chiến công lừng lẫy đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc, những người lính còn sống trở về từ chiến trận giờ đã tuổi cao, sức yếu. Nhưng khi hỏi về trận đánh ngày ấy, ký ức lại ùa về, làm sống dậy một thời trai trẻ. Bởi những gì họ cống hiến và hy sinh, đã tạc vào sử xanh một thời bất tử.

Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Hoàng Kim Nông, nguyên chiến sĩ hàng hải trên tàu 187, con tàu bị Mỹ nã không biết bao lần bom đạn ngày ấy, nay sống tại Phường 19, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Đại tá Nông kể chuyện chiến đấu trên con tàu 187: “Lúc đó mình là chiến sĩ hàng hải của tàu. Nhưng khi chiến đấu thì sẵn sàng tiếp đạn cho pháo thủ. Lúc đó chiến đấu hăng hái lắm. Luôn sẵn sàng hy sinh”.

Vị đại tá cầm tập album với nhiều ảnh đen trắng. Dừng lại tấm ảnh có hình con tàu 187, ông bảo: “Bằng chứng còn đây, đó là những tháng ngày đẹp nhất. Ngày 5/8/1964, tàu 187 chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ tại Hòn Ngư (tỉnh Nghệ An). Thuyền trưởng lúc đó là anh Lê Văn Tiếu. Lúc 12 giờ 20 phút, chúng tôi đang nghỉ trưa thì bỗng nghe tiếng kẻng liên thanh báo động. Lệnh anh Tiếu từ đài chỉ huy hô to: Toàn tàu báo động chiến đấu. Các vị trí khẩn trương triển khai đội hình. Tôi nghe xung quanh tiếng bom địch dội ầm ầm. Trên bầu trời lúc đó xuất hiện một tốp máy bay địch bổ nhào ném bom. Tình huống quá bất ngờ và nguy hiểm. Nhanh như cắt, chúng tôi nổ súng ngay. Nói thật, lúc đó mình không bắn nó, nó bắn mình. Nhiều chiến sĩ quyết tâm giữ vững trận địa, không rời vị trí chiến đấu dù bị thương nặng ngay trên tàu. Lúc đó bom Mỹ dội xuống dày mặt biển Hòn Ngư, vậy mà anh Tiếu vẫn điều khiển con tàu vững chắc và cùng anh em chiến đấu. Anh ấy bị thương, máu chảy đầm đìa tay phải, gần như rời thân người. Để lái tàu, anh ấy đã dùng băng treo tay phải lên trước ngực, tay trái cầm điều khiển tàu luồn lách, tránh bom địch. Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân, đã băng mình dưới làn lửa đạn của địch để cấp cứu thương binh, tiếp đạn cho đồng đội, tàu bị trúng đạn, Nguyễn Văn Vinh đã khẳng khái nói với thuyền trưởng: “Tàu còn thì tôi còn, thuyền trưởng cho tôi ở lại chiến đấu đến cùng”. Câu nói của Vinh đã thể hiện tinh thần tất cả vì con tàu thân yêu”.

Khẩu đại liên mặt đất bắn rơi máy bay Mỹ sáng 5/8/1964. (Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu Lữ đoàn 171).

Nửa thế kỷ khóc thương đồng đội

Phút giây xúc động chen lẫn niềm kiêu hãnh khiến đại tá Nông nghẹn lại, ông nhấp thêm ngụm trà nóng rồi trầm ngâm: “Mỗi lần nhắc về đồng đội cũ lại thấy thương nhớ quá. Nửa thế kỷ rồi, những ký ức ngày ấy vẫn vẹn nguyên chưa hề phai nhạt”.

Khi ấy ông làm nhiệm vụ tiếp đạn cho vị trí pháo số 3 phía trước. Trước những đợt bom, pháo đầu tiên của địch, thuyền trưởng Lê Xuân Tiếu vừa cho tàu chạy linh hoạt tránh bom vừa hô hào anh em giữ vững vị trí. Nhưng sang đến đợt thứ hai, đài chỉ huy tàu bị một quả tên lửa của địch bắn trúng. Rồi quả tên lửa nữa đúng khoang máy của tàu. Đường ống dầu bục ra, bén lửa cháy bùng bùng. Thượng sĩ Cao Viết Thao, cơ điện trưởng, vội ôm bình cứu hỏa nhảy xuống. Toàn thân Thao như bó đuốc xông vào bịt được lỗ thủng ống dầu cứu nguy cho cả con tàu. Trận chiến mỗi lúc một ác liệt. “Đại tá Nông kể tiếp: Anh Đoàn Bá Ký lúc đó giữ chức chính trị viên chạy đi chạy lại như con thoi động viên anh em. Anh vỗ vai tôi: “Cậu lính trẻ mới tuổi 19, bình tĩnh nhé”. Anh vừa dứt lời, tôi như nghe tiếng đổ uỵch đằng sau. Anh trúng đạn mất rồi. Mắt anh vẫn mở nhưng nước mắt đã trào ra. Môi anh mấp máy như muốn nói điều gì. Tôi ghé sát tai anh mà không sao nghe được. Tôi tin, anh đang nhắc anh em hãy cố gắng giữ tàu.

Sau đó, chợt một tiếng nổ chớp lòe. Cả đội hình pháo bị hất văng. Bằng, Thuận hy sinh. Hy, Bê bị thương nặng, còn tôi bất tỉnh. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm gọn trong gầm bệ pháo, toàn thân đầy máu, quần áo rách tươm. Chiến sĩ ra đa Nguyễn Thanh Hải hỏi tôi: “Mày có việc gì không?”. Tình huống cực kỳ bi thương. Phía bên kia mạn tàu, chiến sĩ Thiệp một tay ôm trán giàn giụa máu, một tay liên tục siết cò, cả người tì vào bệ pháo. Băng vết thương cho Thiệp xong, tôi lên buồng lái ôm vô lăng điều khiển tàu thay cho chiến sĩ Cẩn cũng vừa bị thương đổ gục. Lúc này chiến sĩ ra đa Nguyễn Thanh Hải bị trúng bom nằm gần bệ pháo. Chúng tôi đỡ anh lên, chỉ còn nghe được tiếng thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”, rồi anh nhắm mắt ra đi.

Giọng đại tá Nông nghẹn lại, chùng xuống. 54 năm trước, ông khóc để tiễn đưa đồng đội trên tàu. Và hôm nay, sau 54 năm, giọt nước mắt của người anh hùng đặc công thêm một lần nữa khóc thương cho những đồng đội thân yêu. Giọt nước mắt xen lẫn nỗi đau và niềm kiêu hãnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *