Hợp lực gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu

Lấy ngành xuất khẩu làm trọng tâm

5 năm qua, hoạt động XK trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kim ngạch XK đạt 4.368 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,43%/năm; tổng sản lượng tôm chế biến, tiêu thụ khoảng 564.697 tấn, tăng trưởng bình quân 6,28%/năm. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy XK tăng trưởng nhanh và bền vững; thực hiện mục tiêu kim ngạch XK đến năm 2025 đạt 1,9 tỷ USD, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ XK; phối hợp với các cơ quan, đơn vị kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động kinh doanh của DN; cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế; lưu ý, phối hợp với các ngành có liên quan, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp XK hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Phối hợp với các ngành hỗ trợ, khuyến khích DN tăng cường đầu tư sản xuất, phát triển thương hiệu, tham gia XK các loại sản phẩm có lợi thế của tỉnh: Tôm, cua, gạo, sản phẩm từ gỗ, chuối… Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, hoạt động thu mua, chế biến, gia công tôm nguyên liệu; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu; gian lận thương mại, lưu thông hàng hóa trái phép và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cà Mau sẽ hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, phát triển thương hiệu, tham gia xuất khẩu các loại sản phẩm có lợi thế của tỉnh: Tôm, cua, gạo, sản phẩm từ gỗ, chuối…

Hội Chế biến và XK thủy sản Cà Mau vận động các DN chế biến thủy sản XK hợp tác, hỗ trợ để tạo thế mạnh trong XK; đẩy mạnh thông tin thị trường đến các hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động; phát huy vai trò liên kết các đại diện hội viên để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của hội viên, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh thị trường. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh theo xu hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước, quốc tế; tham gia các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.

Đẩy mạnh việc triển khai sử dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp XK. Triển khai các giải pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khuyến khích DN nâng cấp, đổi mới công nghệ trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến, nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan mời gọi và đề xuất lựa chọn dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng XK và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến, hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao và cam kết chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện cho địa phương; khuyến khích DN đầu tư vào dịch vụ logistics.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hoặc đề xuất cấp thẩm quyền ban hành chính sách khuyến khích áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào một số ngành ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ, may mặc, chế biến nông sản… đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu XK.

Hướng dẫn, hỗ trợ (đối với các trường hợp được hỗ trợ theo quy định) các DN đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước; tham dự giải thưởng quốc gia; công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; đăng ký mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Cục Hải quan đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng dẫn thủ tục, quy định của pháp luật trong lĩnh vực XK, tạo điều kiện thuận lợi để các DN, tổ chức tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Rà soát, niêm yết công khai danh mục hàng hóa cấm XK, cấm nhập khẩu, hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành theo giấy phép, theo điều kiện kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tại các địa điểm làm thủ tục hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh; cung cấp thông tin thống kê kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa để Sở Công thương theo dõi, tổng hợp, đánh giá chung và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ.

Cục Thuế tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn DN nắm và thực hiện đúng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế theo đúng quy định pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho DN; hoàn thuế VAT đối với DN XK theo quy định; đồng thời, nghiên cứu rút ngắn tối thiểu 15% thời gian đối với phương thức kiểm tra trước hoàn thuế sau, nhằm giảm bớt thời gian và chi phí cho DN.

Về các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Cà Mau chỉ đạo các tổ chức tín dụng – chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng.

UBND các huyện, TP. Cà Mau chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính; phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, sản phẩm của địa phương; tăng cường quản lý, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN trên địa bàn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu; nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo, tháo gỡ. Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và có kế hoạch khuyến khích đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng hướng tới XK.

5 năm qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt 4.368 triệu USD, tăng trưởng bình quân 4,43%/năm; tổng sản lượng tôm chế biến, tiêu thụ khoảng 564.697 tấn, tăng trưởng bình quân 6,28%/năm.

Quyết liệt với các ngành hàng chủ lực

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa tổ chức lớp đào tạo TOT nhằm trang bị cho các thành viên nắm vững một số kiến thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); sự cần thiết của Chương trình OCOP; lịch sử phát triển Chương trình OCOP và kinh nghiệm của quốc tế và Việt Nam; quan điểm, đường lối, mục tiêu, nội dung, nguyên tắc của Chương trình OCOP; các khái niệm cơ bản cộng đồng và phát triển cộng đồng sản phẩm và sản phẩm OCOP, tổ chức kinh tế OCOP; chu trình OCOP thường niên, hệ thống tổ chức và nhân sự; quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm, hướng dẫn chủ thể xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP cấp tỉnh, huyện, xã; hướng dẫn chủ thể đánh giá tiềm năng và tính khả thi của sản phẩm cấp xã, huyện; hướng dẫn phương pháp tiếp cận, đánh giá ý tưởng sản phẩm và vai trò của cấp xã trong phát hiện, hỗ trợ, phát triển sản phẩm… hướng dẫn phương pháp tiếp cận và đánh giá phương án, dự án sản xuất kinh doanh; một số cơ chế, chính sách phục vụ Chương trình OCOP, phương pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, quản lý sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn chủ thể xây dựng hồ sơ dự thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP lần đầu, cấp lại, nâng hạng, cấp xã, huyện; tiếp nhận hồ sơ sản phẩm và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh; hướng dẫn cách viết câu chuyện sản phẩm…

Qua đó, giúp cho các học viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương được chuẩn hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri trức và công nghệ địa phương. 

Xác định hoạt động kinh tế tập thể là trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo nội dung Công văn số 3874, ngày 18/5/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ – Trịnh Đình Dũng về Báo cáo số 2571, ngày 20/4/20202 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ảnh hưởng của dịch COVID-19 và một số giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với kinh tế tập thể. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương theo các cơ chế, chính sách đã ban hành, thực hiện các chính sách của Trung ương đã ban hành đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác hướng dẫn, vận động cộng đồng DN và người dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, phối hợp với cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh; tăng cường rà soát quy hoạch sản xuất trên địa bàn, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích người dân phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *