Hợp tác để cải thiện chuỗi giá trị tôm tại Cà Mau

Đây là cơ hội lớn để tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong chuỗi ngành hàng tôm cùng hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tất yếu cho sự phát triển

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng, với chủ trương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngành tôm Cà Mau lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, đã rất năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng chủ lực, có mức đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hiện tỉnh có trên 280.000ha nuôi tôm nước lợ (chiến 40% diện tích nuôi tôm cả nước), sản lượng tôm hàng năm đạt trên 180.000 tấn (chiếm 22% sản lượng tôm cả nước).

Tôm Cà Mau được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận (ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Naturland…). Toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, có trang thiết bị công nghệ hiện đại tầm cỡ so với khu vực và thế giới, với công suất trên 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt trên 1,2 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 34% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Tôm Cà Mau đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với 4 thị trường chủ đạo là: Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Ngành hàng tôm cũng là sinh kế chủ yếu của 50% dân số trong tỉnh (chiếm gần 600.000 nhân khẩu), ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của trên 350.000 lao động, trong đó tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300.000 lao động.

Tuy vậy, ngành tôm Cà Mau vẫn chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế về thiên nhiên, con người và sự quan tâm của Nhà nước, của các tổ chức trong và ngoài nước. Thực tế trong quá trình phát triển còn nhiều hạn chế, bất cập và mâu thuẫn; có nguy cơ, rủi ro cao, tác động trực tiếp đến kết quả và tính bền vững trong sản xuất của ngành. Đó là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu thực tế; chưa có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm tra, kiểm soát. Trong quá trình hội nhập, ngành hàng tôm còn nhiều rào cản: An toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước xuất khẩu tôm. Vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, khiến giá trị con tôm giảm thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính vì thế, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam được thành lập với mong muốn tập hợp nguồn lực về con người và vật chất, góp phần thúc đẩy, phát triển ngành tôm của Cà Mau nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung với quy mô tăng dần theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để thúc đẩy các hoạt động đối thoại chính sách, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Phó Chủ tịch Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam: “Mục tiêu đặt ra của Liên minh là rất nặng nề, khó khăn cũng như thách thức là không ít. Nhưng khi đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ làm tốt nhiệm vụ liên kết, cải thiện được chuỗi giá trị tôm Cà Mau; đặc biệt là đảm bảo sinh kế cho người dân; cải thiện chất lượng con tôm… hướng đến mục tiêu lớn nhất là phát triển ngành hàng chủ lực một cách bền vững”.

Đại diện cho nhiều “nhà”

Ban Chấp hành Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam nhiệm kỳ 2020 – 2025 ra mắt Đại hội.

Đây là cơ hội lớn để tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong chuỗi ngành hàng tôm cùng hỗ trợ nhau hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Liên minh hướng đến việc hợp tác dựa trên phương thức đối tác công – tư để cải thiện chuỗi giá trị tôm tại Cà Mau, đảm bảo tính bền vững môi trường, gia tăng cơ hội kinh tế và đảm bảo sinh kế cho các đối tượng tương lai. Liên minh đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện sản lượng tôm nuôi ở Cà Mau, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, bao gồm các tiêu chuẩn của Seafood Watch với xếp hạng “vàng” hoặc “xanh”; hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác về tính bền vững môi trường sinh thái, với tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện nay, phần lớn tôm nuôi ở Cà Mau không có chứng nhận quy trình giám sát nguồn gốc hoặc chứng nhận tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc; do đó, các thành viên Liên minh phải phát triển hệ thống xác định nguồn gốc dựa trên việc áp dụng các nguyên tắc sau: Truy xuất nguồn gốc đối với nhà cung cấp, truy xuất nguồn gốc theo các quy trình nội bộ, truy xuất nguồn gốc đối với khách hàng, cân bằng khối lượng và truy xuất nguồn gốc của các yếu tố đầu vào và yếu tố đầu ra; các thủ tục truy xuất nguồn gốc bao gồm cả khả năng tương tác cơ bản với các hệ thống khác nếu có thể. Tóm lại, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho tỉnh Cà Mau cần giải quyết được vấn đề sản xuất có chứng nhận và không có chứng nhận.

Muốn vậy, Liên minh sẵn sàng đưa ra tuyên bố chất lượng, tất cả các sản phẩm được dán nhãn Liên minh sẽ: Được xác định theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế và tính bền vững môi trường, phù hợp với mục tiêu của Liên minh; không được sử dụng chất cấm và thay đổi sản phẩm một cách trái phép, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và quy định của Việt Nam, bao gồm cả thông tin truy xuất nguồn gốc, kể cả nguồn thức ăn chăn nuôi.

Song song đó, thành viên Liên minh cũng có cam kết: Cải thiện hoạt động tiếp thị và xây dựng thương hiệu tôm do các thành viên Liên minh sản xuất. Xây dựng chương trình kiểm soát kháng sinh để đạt được các mục tiêu cụ thể, phù hợp với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế, tiêu chuẩn môi trường và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các quy tắc ứng xử phù hợp, ký kết hợp đồng với nông dân và các bên khác để đảm bảo chia sẻ về mặt lợi ích và bảo vệ sinh kế khác.

Đồng thời, Liên minh cũng sẽ phối hợp với Chính phủ và các bên liên quan khác trong ngành để đảm bảo việc bảo vệ chất lượng nước và rừng ngập mặn theo luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế tốt nhất về quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong Liên minh, là đại diện cho các hộ dân, hợp tác xã, nhà chế biến, nhà cung cấp đầu vào và Chính phủ để đạt được mục tiêu của Liên minh.

Đến nay, Liên minh Tôm sạch và bền vững Việt Nam đã thu hút được sự tham gia của 66 thành viên. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 22 thành viên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên minh.

Liên minh sẽ thu hút các bên liên quan chính, bao gồm: Cố vấn kỹ thuật, người mua cuối cùng, công ty công nghệ, ngân hàng và công ty bảo hiểm; nhằm tận dụng nguồn thông tin, những công cụ, khả năng tài chính và những năng lực mới nhất để đáp ứng kỳ vọng của thị trường và mở rộng các phương pháp tiếp cận một cách thành công. Đảm bảo tính minh bạch trong tất cả các khía cạnh hoạt động, quản lý và tiếp thị sản phẩm tôm, bao gồm cả phát triển chuỗi giá trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *