Hợp tác – Liên kết – Thương hiệu – Thị trường

Đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng tổ chức lại sản xuất, dựa trên những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, bước đầu tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn tham quan mô hình sản xuất chuối khô Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Bước chuyển của 4 ngành hàng chủ lực

Cà Mau hiện có 280.000ha nuôi trồng thủy sản, với đa dạng loại hình nuôi: Chuyên tôm, tôm lúa, tôm rừng, tôm kết hợp (cua, cá…), tôm càng xanh – lúa. Sản lượng khoảng 180 ngàn tấn/năm, chiếm 25% sản lượng tôm nuôi của cả nước; cung cấp nguyên liệu cho 30 nhà máy chế biến thủy sản. Thị trường tiêu thụ khá ổn định gồm 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường lớn là Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc và Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm. Đặc biệt, tỉnh có 140.000ha nuôi tôm sinh thái: Nuôi tôm dưới tán rừng (có chứng nhận quốc tế), nuôi quảng canh truyền thống và nuôi tôm luân canh với trồng lúa, cung cấp gần 60.000 tấn tôm sạch cho thị trường trong và ngoài nước.

Diện tích nuôi cua xen ghép với tôm và các loài thủy sản khác khoảng 250.000ha, năng suất bình quân đạt 80kg/ha, sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Cua Cà Mau được thả nuôi tự nhiên, có chất lượng rất cao, được khách hàng ưa chuộng. Đã có nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn”, sản phẩm tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Về ngành hàng lúa gạo, tỉnh có khoảng 112.000ha diện tích gieo trồng lúa, sản lượng khoảng 520 ngàn tấn/năm. So với các tỉnh ĐBSCL, Cà Mau có sản lượng lúa khá thấp, nhưng với lợi thế điều kiện đất mặn, phèn ven biển – cửa sông giàu vi lượng, sản xuất lúa bằng nguồn nước trời, đa dạng các vùng sinh thái, các loại hình sản xuất…, chất lượng lúa gạo của tỉnh ngày càng nâng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất sinh thái tự nhiên không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng lúa gạo rất cao, tiềm năng rất lớn trong phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và quốc tế.

Nhiều loại gạo Cà Mau đang được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Phong phú sản phẩm đặc sản

Ngoài 4 ngành hàng chủ lực nêu trên, Cà Mau còn có khoảng 5.500ha trồng chuối xiêm (xiêm đen và xiêm trắng), đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Chuối được trồng tập trung ở 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời, sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn chuối tươi. Chuối được trồng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, không tác động bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng rất cao và an toàn vệ sinh thực phẩm, rất thích hợp trong chế biến đa dạng các sản phẩm từ chuối.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều sản phẩm, đặc sản tiêu biểu của các huyện, TP. Cà Mau: Cá bổi huyện Trần Văn Thời; mật ong U Minh; sò huyết và hàu Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); cá bớp Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời); cá chình – cá bống tượng Tân Thành (TP. Cà Mau); nghêu, vọp, ốc len… ở rừng ngập mặn; cá khô khoai Phú Tân; bồn bồn Tân Hưng (huyện Cái Nước); mắm, ruốc, khô các loại.

Đặc biệt,các loại khô đặc sản Cà Mau được làm từ nguồn nguyên liệu tôm, cá tươi sống và làm hoàn toàn thủ công, không hóa chất, phẩm màu nên đem lại chất lượng tốt nhất với giá thành rẻ nhất, nhất là tôm khô Cà Mau. Tôm khô được làm từ tôm đất tươi sống tự nhiên 100%, được sản xuất theo quy trình khép kín, kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn xuất khẩu, không dùng chất bảo quản nên chất lượng luôn được đảm bảo và giữ nguyên mùi vị đặc trưng.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp Cà Mau hiện nay là hoàn thiện chuỗi liên kết; đánh giá đúng tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông sản; xác định đúng đầu mối cung ứng và tìm đầu ra cho nông sản, thủy sản Cà Mau.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mở hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nhằm mở ra hướng tiêu thụ cho hàng nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Bước đầu đã hình thành được một số hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đối với ngành hàng tôm và lúa chất lượng cao; nhiều hợp đồng cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai thực hiện.

Tuy vậy, sản phẩm nông nghiệp tỉnh Cà Mau vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Giá cả thị trường thì luôn biến động, trong khi việc tổ chức lại sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng hoạt động của nhiều hợp tác xã còn yếu kém, chậm được khắc phục; liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm từng bước phát triển nhưng còn ít và thiếu bền vững. Giá trị gia tăng của một số ngành hàng còn thấp, do chưa có nhà máy chế biến sản phẩm, phụ phẩm chuyên sâu; chưa xây dựng và phát huy được nhãn hiệu hàng hóa đã công nhận chứng nhận; công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tuy đã được quan tâm nhưng còn rất hạn chế…

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, mục tiêu chung của tỉnh là phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ, theo phương châm “Hợp tác – Liên kết – Thương hiệu – Thị trường”. Đây là nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với ngành Nông nghiệp tỉnh trong năm mới.

Với tiềm năng, lợi thế hiện có nhưng chưa được khai thác một cách tối ưu, Cà Mau mong muốn được hợp tác với tất cả các đối tác trong và ngoài nước để cùng đầu tư sản xuất – chế biến – tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có lợi thế của địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *