Hợp tác liên kết vùng nuôi tôm có chứng nhận ASC

“Cà Mau là tỉnh tiên phong trong việc huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tham gia trong xây dựng và quảng bá thương hiệu tôm trên thị trường trong nước và thế giới”, đó là nhận định của ông Đoàn Thanh Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong phát triển ngành hàng tôm, ngay từ năm 2016, dưới sự hỗ trợ của tổ chức ICAFIS và WWF, bằng những hoạt động cụ thể, tỉnh đã xây dựng được nhiều hoạt động liên kết, đặc biệt là liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng; cùng với tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu xây dựng vùng nuôi có chứng nhận tại hai hợp tác xã (HTX) Tân Long và Đoàn Kết (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi).

Xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững – công bằng, là mục tiêu mà tỉnh đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện.

Tuy hiện nay các hộ dân nơi đây chưa được chứng nhận ASC nhưng kết quả ban đầu mang lại khá khả quan.

Là đơn vị ký kết trực tiếp với hai HTX, bà Uông Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Chất lượng, Công ty Quốc Việt, cho biết: “Với nhu cầu của thị trường và mục tiêu của công ty là cung cấp sản phẩm chất lượng an toàn và hợp pháp, bền vững, chúng tôi đã xác định việc xây dựng chuỗi sản phẩm là vấn đề then chốt của doanh nghiệp. Vì lẽ đó, Công ty Quốc Việt đã liên kết với hai HTX để xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế. Qua thời gian chuẩn bị, tuy còn nhiều khó khăn do quy mô sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu ASC, nhưng đến nay đã xây dựng được chương trình cũng như hồ sơ tài liệu cơ bản cho vùng nuôi và chuẩn bị tham gia sâu vào điều kiện của từng ao nuôi. Đây là gia đoạn nước rút chuẩn bị cho đợt đánh giá đạt chuẩn ASC vào tháng 6 tới”.

Trong hai năm triển khai dự án tại Cà Mau, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm ICAFIS, đơn vị tài trợ dự án, cho biết, trung tâm với vai trò như “ông mai bà mối” để kết nối “nhân duyên” giữa doanh nghiệp và người dân, hướng tới khi đạt được chứng nhận ASC thì sản phẩm con tôm có thể lưu thông trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để mối “nhân duyên” này bền vững lâu dài thì cần sự chung tay của công ty, HTX và cần có sự hỗ trợ của ban, ngành tại địa phương. Để người sản xuất quy mô nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu.

ThS. Huỳnh Quốc Tịnh, Giám đốc Dự án tôm tại Cà Mau của tổ chức WWF, chia sẻ, nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC không có nghĩa là không được sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ao nào có sử dụng kháng sinh thì phải tách biệt ra và không dán nhãn ASC và chứng minh được trong tình huống bắt buộc phải sử dụng. Đồng thời, do còn mới nên trong quá trình triển khai chắc chắn sẽ có phát sinh, tuy nhiên quan trọng là những khó khăn đó những người tham gia có cởi mở với nhau để cùng tháo gỡ hay không.

Với vai trò lãnh đạo địa phương, ông Kiều Minh Tấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Duyệt, cam kết cùng với hai HTX và phối hợp với các ngành, đoàn thể để chỉ đạo thực hiện đạt yêu cầu theo hợp đồng đã được ký kết với Công ty Quốc Việt.
Ông Châu Trung Trực, Giám đốc HTX Đoàn Kết, khẳng định, lãnh đạo HTX cũng như xã viên quyết tâm thực hiện đúng theo 26 tiêu chí của công ty đề ra, cũng như được công nhận đạt chuẩn ASC.

Dịp này, Công ty Quốc Việt hỗ trợ 50% chi phí thực hiện dự án cho 66 xã viên trong hai HTX, với khoảng 125 triệu đồng.

Không chỉ vậy, bà Hạnh còn cho biết thêm, nếu vùng nuôi của bà con được chứng nhận, Công ty sẽ thu mua tôm với giá cao hơn giá thị trường.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *