Hợp tác xã Nuôi hàu lồng Đất Mũi: Điển hình kinh tế tập thể

Hợp tác xã hiện có 20 bè đang thả nuôi, chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: LÊ TUẤN

Về Đất Mũi, nghe câu chuyện chia sẻ của anh Nguyễn Văn Hôn, một trong những người đầu tiên “gầy dựng” giá trị kinh tế cao hơn của con hàu lồng, vốn là một loài hải sản quen thuộc của vùng đất phù sa bồi lắng, mới thấy sự tâm huyết và năng động, mạnh dạn tìm hướng phát triển mới của cả lãnh đạo và người dân nơi đây. Anh Hôn hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Nuôi hàu lồng Đất Mũi (ấp Kinh Đào, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), đang cùng với các xã viên đưa HTX phát triển đi lên.

Con hàu là đặc sản ở Đất Mũi, các món ăn được chế biến từ hàu rất hấp dẫn thực khách. Anh Hôn cho biết, sản lượng hàu thương phẩm có tăng hơn nữa thì vẫn đảm bảo đầu ra ổn định.

Những suy tính có thể đến từ trước đó, nhưng thời điểm bắt tay thực hiện thì vào năm 2006 khi chính quyền xã cho cán bộ đi tham quan học tập mô hình nuôi hàu ở tận Long Sơn (tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu), sau đó về phát động thực hiện. Khi đó, có 14 hộ tham gia và anh Hôn được phân công “chăm sóc” dự án mới mẻ này. Anh kể, buổi ban đầu, để có vốn phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 70 triệu đồng; tuy nhiên, vụ nuôi đầu tiên sử dụng nguồn con giống mua từ Long Sơn về nuôi thử nghiệm đã thất bại, điều này không chỉ để lại “áp lực” về đồng vốn, mà còn về tinh thần khi những mong muốn, kỳ vọng không thành. Được các lãnh đạo xã khi ấy động viên, sát cánh tạo điều kiện, các thành viên tổ hợp tác sau đó khôi phục các bè, thử nghiệm thả nuôi giống hàu địa phương và đã thành công, từ đó đến nay đã sử dụng nguồn giống tại chỗ.

Tận dụng sự phát triển của ngành du lịch địa phương, Hợp tác xã dự tính phát triển hoạt động theo hướng làm du lịch sinh thái. Ảnh: Một điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Đất Mũi. Ảnh: BẢO LÂM

Cuối năm 2007, HTX được thành lập, với 25 xã viên, huy động vốn làm được 8 bè. Qua nhiều năm phát triển, đến nay HTX có 32 xã viên, với tổng vốn điều lệ 4,9 tỷ đồng, đang quản lý 1.800m2 mặt nước, hoạt động đi vào ổn định. Bình quân sản lượng thu hoạch 200 – 220 tấn/năm, doanh thu đạt từ 3,5 – 4 tỷ đồng/năm; HTX hiện có 20 bè đang thả nuôi, chuẩn bị thu hoạch. Năm qua, thu nhập bình quân của xã viên đạt từ 50 – 100 triệu đồng/năm, tùy theo mức vốn góp. Không chỉ nâng cao đời sống xã viên, HTX còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập đến vụ thu hoạch khoảng 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Hôn cho biết, HXT hiện đang phát triển 2 – 3 bè và dự kiến đến cuối năm sẽ làm thêm khoảng 3 – 4 bè nữa, bởi đầu ra cho hàu thương phẩm rất ổn định, chủ yếu xuất bán lên TP. Hồ Chí Minh và một số cung cấp cho các nhà hàng tại địa phương. Hướng tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, tăng số lượng xã viên tham gia.

Nhìn quá trình đi lên trong gần 10 năm qua của HXT, nghe những tính toán về hướng đi sắp tới, tin chắc rằng hiệu quả hoạt động của HTX hàu lồng Đất Mũi sẽ tiếp tục đi lên. Càng chắc chắn hơn khi nhìn vào cách làm của HTX, mà theo anh Hôn tâm huyết: “Điều quan trọng là mình hiểu tâm tư, nguyện vọng của anh em; phải linh hoạt, cho các xã viên đều có trách nhiệm cùng làm, cùng quản lý”. Đó là mỗi bè giao cho 1 tổ quản lý, gồm các xã viên; ban lãnh đạo HTX đảm bảo về mặt nước, thủ tục theo quy định, giao vốn, con giống, đảm bảo đầu ra; các tổ tự cân đối kinh phí, chăm sóc bè nuôi và có báo cáo sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ đó, phát huy được tinh thần trách nhiệm, tạo động lực thi đua trong các xã viên, giúp cho HTX hoạt động đạt hiệu quả cao.

Theo anh Hôn, con hàu cũng có thể là sinh kế “lý tưởng” cho người dân Đất Mũi nói chung, bởi hàu là đối tượng nuôi không cần tốn quá nhiều thời gian chăm sóc, bà con ở đây rất am hiểu về con hàu, về tiềm năng sẵn có của địa phương, nhất là trong điều kiện có ít đất sản xuất, và quan trọng hơn là thực tế hiệu quả mô hình nuôi cũng đã thấy. Anh chia sẻ: “Vì vậy chúng tôi đang phát động bà con thực hiện mô hình này, làm bè quy mô theo điều kiện tài chính. Mong muốn các ngành chức năng, ngân hàng tạo điều kiện cho họ có nguồn vốn, có thể một số hộ cùng liên kết, có phương án sản xuất, HTX sẽ hướng dẫn bà con cách làm. Tin rằng, nếu thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh thì chắc chắn không thất bại. Hơn nữa, trong thời gian chờ thu hoạch, có thể làm công việc khác để tăng nguồn thu”. Anh cũng cho biết đang ấp ủ ý tưởng làm khu du lịch sinh thái hàu lồng, mở thêm hướng phát triển mới của HTX, khi Đất Mũi đã sẵn là địa chỉ thu hút đông lượng du khách, khách đến đây sẽ được thưởng thức hàu và các loại đặc sản tươi sống của địa phương trong không gian trên lồng bè thoáng đãng, mát mẻ.

Dọc một đoạn kênh Lạch Vàm, những dãy bè nuôi hàu nối tiếp nhau; hình ảnh các lồng bè “ôm sát” bên dãy rừng của HTX Nuôi hàu lồng Đất Mũi, như nét vẽ tươi sáng của đời sống đi lên ở nơi chót cùng Tổ quốc. Hướng đi đúng đã được chứng minh, cùng những dự tính cho bước đi mới dựa trên chính tiềm năng lợi thế của địa phương, tin rằng HTX Nuôi hàu lồng Đất Mũi sẽ tiếp tục phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *