Hướng đến mô hình chính quyền điện tử

Số lượng người dân, doanh nghiệp đến liên hệ trực tiếp tại Bộ phận một cửa huyện Trần Văn Thời vẫn còn khá đông.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã triển khai việc thực hiện mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến trong toàn thể cán bộ, công chức, để sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp đặt ra.

Ông Trịnh Việt Khái, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trần Văn Thời, nói về việc triển khai thực hiện mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến thời gian qua: “Từ khi triển khai thực hiện mô hình CQĐT, UBND thị trấn Trần Văn Thời tổ chức triển khai và hướng dẫn cho cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức bộ phận một cửa nắm vững các vấn đề có liên quan đến mô hình CQĐT để áp dụng thực hiện. Mặt khác, tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về mô hình này. Hiện tại, UBND thị trấn Trần Văn Thời đã sẵn sàng tiếp nhận các loại hồ sơ khi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch trực tuyến. Người dân và doanh nghiệp chỉ cần ngồi tại nhà, sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị có kết nối Internet để liên hệ trực tuyến làm các loại hồ sơ, thủ tục khi có yêu cầu”.

Cùng với thị trấn Trần Văn Thời, UBND xã Khánh Bình cũng tích cực triển khai thực hiện mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, số hồ sơ được người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện từ mô hình này còn rất thấp.

Ông Phạm Văn Vẹn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, cho biết: “Đã qua, số lượng hồ sơ về TTHC được người dân và doanh nghiệp thực hiện trực tuyến qua một phận một cửa của xã chỉ có vài trường hợp, còn lại đa số bà con đến liên hệ trực tiếp để làm thủ tục. Nguyên nhân là do đây là mô hình còn khá mới mẻ với bà con, nên thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu về sự tiện ích, tiết kiệm của mô hình này, nhằm chủ động tham gia thực hiện”.

Ông Trịnh Việt Khái cho biết về những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến: “Việc thực hiện TTHC bằng mô hình CQĐT đòi hỏi người dân, doanh nghiệp phải nắm vững kiến thức về Tin học, biết tải các phần mềm để sử dụng và có các loại máy móc, thiết bị cần thiết hỗ trợ trong quá trình đăng ký, giải quyết hồ sơ. Nhưng hiện tại, nhiều người dân và doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết nên việc đăng ký làm TTHC qua mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến còn những hạn chế nhất định”.

Để từng bước hướng tới mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến trong việc đăng ký, giải quyết TTHC; Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm giúp người dân, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tính tiện lợi của việc tham gia thực hiện mô hình CQĐT và dịch vụ công trực tuyến để tham gia thực hiện ngày càng nhiều.

Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình CQĐT, dịch vụ công trực tuyến là đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và mang lại lợi ích thiết thực cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *