Hướng đi mới cho đặc sản Cà Mau

Sản phẩm đặc sản phát triển theo hướng tự phát

Vài năm trở lại đây, đặc sản Cà Mau luôn được đổi mới sáng tạo, nâng dần về chất lượng, tăng trưởng về quy mô, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có uy tín, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Thực tế cho thấy, mặc dù tiềm năng và nhu cầu đối với các sản phẩm đặc sản tại Cà Mau là rất lớn nhưng việc phát triển các sản phẩm này còn nhiều hạn chế. Hiện các nguồn cung cấp sản phẩm đặc sản vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Đồng thời do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất, chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định… Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp; việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Phát triển chuỗi các điểm trưng bày, bán sĩ, bán lẻ sản phẩm đặc sản Cà Mau sẽ giúp các công ty, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thế mạnh của các địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Để khắc phục những bất cập, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm bền vững, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, từ năm 2012, tỉnh Cà Mau bắt đầu tham gia thực hiện chương trình kết nối cung cầu do TP. Hồ Chí Minh khởi xướng. Tuy nhiên, dù đã mất khá nhiều thời gian và chi phí nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như mong đợi, chỉ vài mặt hàng trong số nhiều mặt hàng của tỉnh có mặt ở siêu thị, chợ bán lẻ và vài thương nhân làm đại lý tiêu thụ nhỏ lẻ: Tôm khô, bánh phồng tôm, cua Năm Căn.

Từ thực trạng trên, Sở Công thương cùng các ngành liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh chủ trương phát triển chuỗi các điểm trưng bày, bán sĩ, bán lẻ sản phẩm đặc sản Cà Mau. Ông Lưu Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: Đây là một trong những hình thức xúc tiến thương mại tại chỗ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của các địa phương. Mục đích nhằm giúp người tiêu dùng trong tỉnh, khách ngoài nước đến tham quan du lịch tại Cà Mau biết để giao dịch, mua bán, tiêu thụ các loại đặc sản chính gốc, có xuất xứ, có thương hiệu, nhãn hiệu. Đồng thời thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là cầu nối giao thương cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong tỉnh với các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm 2018, Sở Công thương sẽ mở 6 điểm bán trên địa bàn tỉnh: TP. Cà Mau, Năm Căn, Ngọc Hiển. Địa điểm vừa khai trương tại Khách sạn Ánh Nguyệt (TP. Cà Mau) là điểm bán sản phẩm đặc sản đầu tiên.

Kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả

Bên cạnh đó, để các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm phát huy tối đa hiệu quả, các địa phương cũng phải hợp tác chặt chẽ với từng thị trường tiêu thụ, bằng cách thông qua những chính sách cụ thể, khuyến khích doanh nghiệp địa phương tham gia; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo… Các doanh nghiệp Cà Mau tham gia các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm đặc sản cần quan tâm đến việc đáp ứng các chứng nhận chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì theo yêu cầu của hệ thống phân phối.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: “Hiện nay, hợp tác xã có 5 sản phẩm và 10 mặt hàng đạt chuẩn đến với người tiêu dùng, được cung cấp tại 5 siêu thị trong nước. Thông qua các điểm bán sản phẩm đặc sản của tỉnh Cà Mau, chúng tôi đã kết nối được với các tỉnh, thành: Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và thiết lập một mạng lưới các khách hàng tiêu dùng thường xuyên các sản phẩm của các nhóm sản xuất: Tôm khô, mắm tôm, chà bông tôm… Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, đảm bảo cung cấp các mặt hàng đạt chất lượng, đồng thời mong muốn các điểm bán sản phẩm đặc sản của tỉnh được tổ chức và mở rộng thêm nhiều điểm hơn nữa, để tạo điều kiện cho hợp tác xã chúng tôi cũng như các doanh nghiệp và hộ dân tiêu thụ sản phẩm”.

Mở các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm đặc sản của Cà Mau sẽ tạo cơ hội cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, để phát huy hiệu quả điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm đặc sản này, ông Lưu Văn Quốc đề nghị: “Lãnh đạo các cấp, ban, ngành liên quan luôn quan tâm chỉ đạo, nhất là trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng theo các tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại tại chỗ, góp phần phát triển hệ thống phân phối, thay đổi diện mạo, phương thức kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại hơn, tạo ra kênh thông tin cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ, có thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng, giá cả hợp lý và sản lượng dồi dào. Doanh nghiệp trong quá trình sản xuất đặc sản địa phương cần xây dựng kế hoạch rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, đáp ứng nhu cầu mua bán, tiêu thụ của người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu”.

Điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm đặc sản Cà Mau sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Cà Mau; tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất và điểm trưng bày, tiêu thụ có sự phối hợp chặt chẽ để trở thành một chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Qua đó, sản phẩm ngày càng được hoàn thiện, từ số lượng, chất lượng cho đến mẫu mã, bao bì, nhất là hình thức phục vụ trong mua bán ngày càng được người tiêu dùng mến chuộng. Và điểm bán này sẽ là mô hình nhân rộng cho các địa phương trong tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *