Hướng đi mới từ mô hình nuôi dê

Thức ăn cho dê chủ yếu là cây cỏ sẵn có ở địa phương.

Trước đây, gia đình ông Lê Văn Nhất sinh sống bằng nghề nuôi tôm với mức thu nhập ổn định. Nhưng nhiều năm trở lại đây, thời tiết khắc nghiệt, biến đổi thất thường nên vuông thất nhiều hơn trúng. Thế là, ông Nhất mạnh dạn chuyển sang nghề nuôi dê để tăng thêm thu nhập, do dê ít nhiễm bệnh, khả năng sinh sản lại tốt, thức ăn chủ yếu là cây cỏ có sẵn trong tự nhiên và lại thích hợp với vùng biển mặn. Ban đầu, gia đình ông Nhất nuôi 2 con dê giống, đến nay có trên 38 con dê giống và thịt; bình quân mỗi năm trừ chi phí, còn lời trên 60 triệu đồng. Theo ông Nhất, trước đây ở ấp Rạch Thọ, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu bám biển kiếm sống; nhưng từ khi thực hiện mô hình nuôi dê thì đời sống có phần cải thiện, bởi thu nhập khá ổn định.

Từ vài hộ nuôi, đến nay trên địa bàn xã Đất Mũi có trên 100 hộ nuôi dê, tăng thêm thu nhập cho gia đình và dần thoát nghèo, không còn lệ thuộc vào kinh tế thủy sản. Anh Lê Văn Yên (ấp Rạch Thọ), một trong những hộ dân thực hiện mô hình nuôi dê được 2 năm, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, cho biết: “Tận dụng đất rộng sau nhà với cây cỏ tự nhiên, tôi thả dê ra môi trường bên ngoài nên đàn dê đạt trọng lượng nhanh, giá bán cũng được nâng lên. Đa phần mỗi đàn dê của các hộ dân từ 30 con trở lên, nên lượng dê nuôi ngày càng gia tăng. Mỗi năm thu nhập từ 70 – 100 triệu đồng/hộ”.

Mô hình nuôi dê có thể giúp hộ dân phát triển kinh tế và xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này cần phải có sự quy hoạch, đầu tư phát triển đồng bộ, với sự liên kết chặt chẽ giữa cung – cầu để tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đây không chỉ là bài toán đơn thuần mà đòi hỏi nông dân cần tập trung quy hoạch phát triển đồng bộ giữa nguồn dê giống và dê thịt. Qua đó, ngành chức năng cần có những giải pháp liên kết những hộ nuôi dê với nhau để thành lập các tổ hợp tác. Bởi địa phương không những là nơi cung cấp nguồn dê thịt, dê giống dồi dào mà diện tích đất rộng vừa tạo điều kiện trồng thêm các loại cây phát triển thêm nguồn thức ăn cho con dê. Việc thành lập tổ hợp tác nuôi dê là mục tiêu quan trọng để có được sự liên kết chặt chẽ, hạn chế những rủi ro trong sản xuất, cạnh tranh thị trường.

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, thông tin: “Đối với những hộ chăn nuôi dê, cần được tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, để đàn dê đạt được sản lượng cũng như chất lượng dê thịt cung cấp cho thị trường. Chính quyền địa phương sẽ giúp định hướng để phát triển mô hình, tránh sự dội hàng, ép giá của tư thương”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *