Hướng mở việc làm cho lao động nông thôn

Bao năm bôn ba nơi xứ người với việc làm quản lý cho công ty trang trí nội ngoại thất, anh Huỳnh Duy Linh (ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) thấm thía nỗi buồn ly hương, tuy được không ít nhưng mất cũng nhiều, bởi chấp nhận tìm việc nơi xứ người thì làm sao thoải mái như tại gia đình, nỗi nhớ quê cứ day dẳng mãi trong anh.

Ngẫm nghĩ, anh Linh tự hỏi sao mình không làm đầu mối để đem việc làm về cho bà con, bản thân cũng có thu nhập mà vẫn được gần gia đình. Trao đổi với người đứng đầu công ty anh từng gắn bó, các điều kiện ở địa phương mà anh đưa ra đều khá hợp lý: Lao động nhàn rỗi nhiều; giao thông dễ dàng đến tận ấp, khóm; việc dạy và học nghề cũng không đòi hỏi quá nhiều thời gian. Vậy là từ cuối năm 2019, anh Linh về quê, đem theo ước mơ ấp ủ: “Vẫn làm công việc cũ nhưng theo kiểu mới”.

Để tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm cũng như đào tạo nghề, anh Linh thuê một căn nhà và mở cơ sở dạy nghề đan đát cách nhà không xa. Anh Linh cho biết: “Tôi đứng ra làm người liên kết với công ty để nhận nguyên liệu về, rồi hướng dẫn bà con đan đát và giao sản phẩm lại cho công ty. Thời gian qua, cơ sở tôi liên kết được với một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tùy theo yêu cầu của khách hàng mà công ty sẽ giao từng loại sản phẩm, số lượng khác nhau. Bình quân 1 đơn hàng khoảng 10 ngàn sản phẩm. Tùy theo mặt hàng đan đát: Ghế, bàn, chậu… và sản phẩm đan dễ hay khó mà người lao động sẽ được nhận tiền công khác nhau”.

Nghề đan đát góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Hiện nay, cơ sở của anh Linh đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, không chỉ trong ấp mà còn ở các ấp lân cận. Chị Võ Thu Tâm (ấp Rạch Lăng, xã Lợi An), nhà cách cơ sở dạy nghề của anh Linh tầm 1km; từ những ngày đầu cơ sở nhận đào tạo nghề, chị Tâm đã xin học và theo làm cho đến nay. Chị Tâm chia sẻ: “Việc đan đát các mặt hàng bằng nhựa cũng dễ, chịu khó học là làm được. Siêng năng, một tháng thu nhập cũng được 5 – 6 triệu đồng”.

Cũng như nhiều phụ nữ ở nông thôn, chị Bùi Thị Thắm (ấp Rạch Bần) lúc thì qua bên kia sông, nơi thị trấn Sông Đốc sầm uất nhận vá lưới thuê, rồi khi không có người thuê vá lưới thì chạy “xe ôm”. Thấy đứa cháu làm ở cơ sở của anh Linh vừa có tiền, vừa có cái nghề ổn định hơn nên chị Thắm làm theo. Chị Thắm nói: “Nghề đan đát này cũng nhàn, không phải dãi nắng dầm mưa, đi xa xôi. Có thể tới cơ sở đan, cũng có thể nhận nguyên liệu về nhà làm. Mỗi người làm một khâu, khâu nào khó quá thì có cháu nó giúp, dạy nghề tận tình. Thu nhập tương đối ổn, số tiền vài triệu đồng mỗi tháng với vùng nông thôn cũng đủ lo cho cuộc sống”.

Việc liên kết với các công ty ngoài địa phương như anh Linh đã góp phần đem lại việc làm cho lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn. Đây cũng là hướng mở nhằm giải quyết việc làm cho bà con nơi thôn quê.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *