Hướng tới loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp

Thực hiện nghiêm Văn bản số 81

Theo đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, quyết tâm không để bị “thẻ đỏ”.

Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu của các Bộ, ban, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nội dung Văn bản số 81, đảm bảo nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ triển khai thực hiện các giải pháp, quy định về chống khai thác IUU.

Đặc biệt, đối với ngành Nông nghiệp, nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế quản lý, chính sách để tạo nguồn lực tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp về chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung vào các giải pháp cơ bản: Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương ven biển triển khai thực hiện có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU; tổ chức triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thực tế tại địa phương, về công tác quản lý tàu cá trên biển và tại cảng, thực thi pháp luật xử lý các hành vi khai thác IUU và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác.

Quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá trong quản lý hoạt động khai thác hải sản, kịp thời trao đổi thông tin dữ liệu giám sát hành trình tàu cá cho các lực lượng chức năng có liên quan để phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác IUU.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo đáp ứng các quy định quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam về chống khai thác IUU; trong đó tập trung thực hiện 2 điều ước quốc tế quan trọng trong công tác phòng, chống khai thác IUU là Hiệp định về Biện pháp Quốc gia có cảng (PSMA) và Hiệp định thực thi một số điều khoản của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa năm 1995 (UNFSA). Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản, chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển; hướng tới phát triển ngành khai thác hải sản hiện đại, bền vững và đảm bảo sinh kế của ngư dân vùng ven biển.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, khẩn trương củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư, các mô hình tổ chức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thực hiện quy định phân vùng khai thác cho tàu cá. Tập trung thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; nhất là việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS), quản lý chặt chẽ việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động của tàu cá; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát

Tỉnh Cà Mau đã triển khai nghiêm vấn đề này. Ông Nguyễn Việt Triều, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, thông tin: “Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các xã, thị trấn, đồn biên phòng; phát thanh ngoài biển trên tần số của các đài trực canh dân sự duyên hải; nhắn tin qua điện thoại; in ấn tờ rơi, tờ gấp, pano, sơ đồ, bản đồ ranh giới biển, khu vực vùng cấm khai thác, thực hiện các phóng sự chuyên đề… Tổ chức 214 lớp tập huấn/10.897 lượt người tham dự; 1.222 bản tin, 7 phóng sự tuyên truyền; 8.000 sổ tay hướng dẫn; 5.000 áp phích; 62.200 tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU, khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, triển khai thi hành Luật Thủy sản”.

Cà Mau tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện theo nhiệm vụ được giao tổ chức tuyên truyền hoặc lồng ghép vào các cuộc hội nghị triển khai công tác để tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành đến người dân. Cụ thể, huyện Đầm Dơi tổ chức 12 cuộc/500 người; huyện Ngọc Hiển tổ chức 14 cuộc/480 người; huyện Trần Vãn Thời tổ chức 4 cuộc/417 người. Đồng thời, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; qua đó phát hiện và xử lý 854 vụ vi phạm, với số tiền thu phạt 13,109 tỷ đồng. Lồng ghép vào công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thủy sản để tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 3.192 trường hợp.

Song song đó, kiểm soát chặt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép; tình trạng này tuy đã giảm nhiều so với các năm trước nhưng vẫn còn xảy ra. Năm 2019, có 38 tàu/219 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ; trong đó, Philippines 1 tàu/4 thuyền viên, Thái Lan 33 tàu/195 thuyền viên, Malaysia 4 tàu/20 thuyền viên. Điều đáng phấn khởi là từ đầu năm 2020 đến nay chưa có trường hợp nào bị nước ngoài bắt giữ.

Sẽ tước giấy phép hoạt động nếu tàu cá cố tình vi phạm.

Thời gian qua, ngành chức năng còn tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủy sản có liên quan đến xác định, công khai hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản; quy định tiêu chí đặc thù của địa phương và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển; kế hoạch hành động, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định của tỉnh Cà Mau đến năm 2025; quy định phối hợp khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá thuộc phạm vi quản lý tỉnh Cà Mau và các văn bản chỉ đạo điều hành, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU của tỉnh.

Qua thời gian thực hiện công tác tháo gỡ “thẻ vàng”, ngành Thủy sản Cà Mau đã có những bước tiến vượt bậc. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng để tỉnh triển khai công tác chấn chỉnh, ngăn chặn dứt điểm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *