Hướng tới thắt chặt, quản lý nghiêm tàu cá hoạt động trên biển

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Vì sao thiết bị giám sát hành trình mất kết nối?

Cà Mau là tỉnh tiên phong triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Đến thời điểm hiện tại có 1.320/1.584 tàu cá đã lắp đặt, đạt 83,33%. Tuy nhiên, trên thực tế, các thiết bị giám sát hành trình xảy ra rất nhiều sự cố, gây khó khăn trong khâu quản lý của ngành chức năng. 

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Trần Quốc Chính cho biết, Cà Mau hiện có 5 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Tính đến ngày 23/9, có 245 tàu bị mất kết nối. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính: Chưa đóng phí vệ tinh, 105 thiết bị; lỗi do kỹ thuật, 13 thiết bị; lỗi chưa xác định được nguyên nhân, 154 thiết bị. “Việc chưa xác định được nguyên nhân mất kết nối đã gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, vì không thể xác định lỗi mất kết nối do nhà mạng hay ngư dân cố tình che chắn thiết bị, để ra khơi đánh bắt nhằm thu lợi bất chính”, ông Chính nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Văn Sử cho rằng, hiện nay vẫn còn một số lỗ hổng trong biện pháp quản lý nên chưa kiểm soát được tàu đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là vấn đề bức xúc nhất, dẫn đến chưa gỡ được thẻ vàng của nước ta. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông cần tham mưu, đề xuất thêm một số giải pháp về kỹ thuật trong quản lý, xem lỗi mất kết nối thuộc nhóm nào và trách nhiệm thuộc về ai, để có hướng khắc phục ngay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các phương tiện không trang bị thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản.

Có nên “chọn lọc” phương tiện để gắn thiết bị?

Chia sẻ về khó khăn trong công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), ông Lâm Văn Phú cho biết, do chủ tàu khai thác kém hiệu quả và không còn hoạt động, chủ tàu không có kinh phí lắp đặt. Giá thiết bị giám sát hành trình ở mức khá cao, từ 20 – 45 triệu đồng, còn phải đóng phí 350 – 390 ngàn đồng/tháng tùy theo nhà mạng. Trên địa bàn thị trấn có nghề lưới vây (1 tàu mẹ và 2 tàu con trên dưới 15m đi theo để chong đèn cho tàu mẹ đánh cá), nếu đồng thời lắp cho cả 3 phương tiện này sẽ gây khó khăn cho chủ tàu. Khi thiết bị giám sát hư hỏng, báo nhà mạng thì khắc phục chậm, phí gọi điện thoại và nghe tốn 33.000 đồng/phút.

Hiện nghề mực ốc, nghề te ruốc chưa đăng ký, đăng kiểm gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, những hộ làm nghề trại giống có các tàu trên 15m nhưng chỉ ra khoảng 3 – 4 hải lý để lấy nước rồi quay vào bờ, nên cần có quy định đặc thù cho phương tiện này.

Cùng vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, ông Lý Hoàng Tiến cho rằng: “Hiện trên địa bàn huyện có nhiều người hành nghề đóng đáy hàng khơi, dù phương tiện trên 15m nhưng chỉ dùng để chuyên chở sản phẩm ra vào trên biển, nếu bắt họ lắp đặt thiết bị giám sát thì phí dịch vụ cao là chưa được hợp tình”.

Tỉnh chỉ đạo rà soát và báo cáo nhanh về tình trạng tàu cá hoạt động khai thác ven bờ làm ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản.

Hướng đến chuyển đổi nghề cho các phương tiện đánh bắt ven bờ

Cà Mau có đường bờ biển dài và có hơn 80 cửa sông lớn, nhỏ thông ra biển. Chính điều này đã gây khó khăn trong khâu quản lý của ngành chức năng, khi ở nhiều địa phương, các phương tiện đánh bắt ven bờ có công suất nhỏ cứ lần lượt “ra đời” và “mạnh dạn” ra biển khai thác.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Việt Triều cho biết, nhóm tàu cá có công suất dưới 20CV trước đây phân cấp cho huyện quản lý. Nhưng hiện nay thực hiện theo Luật Thủy sản năm 2017 thì số tàu này sẽ được Chi cục Thủy sản tiếp nhận lại từ các huyện. Cụ thể: Số lượng hồ sơ tàu cá khi bàn giao từ Chi cục Thủy sản cho các huyện là 1.578 tàu, nhưng đến nay Chi cục Thủy sản nhận lại được tổng số là 951 tàu cá, giảm 627 tàu, do trong quá trình thực hiện nhiệm vụ từ lúc bàn giao hồ sơ cho đến thời điểm hiện nay thì chủ tàu đã xin rút hồ sơ từ huyện chuyển đi đăng ký nơi khác, với một số lý do: Tàu cá cải hoán từ dưới 20CV lên trên 20CV, tàu cá sang bán đi một số nơi khác, do bảo quản chưa tốt nên có một số hồ sơ bị mục nát, hư hỏng… Đối với tàu cá trễ hạn đăng kiểm và giấy phép khai thác thủy sản, qua đối chiếu với số tàu cá quản lý tại Chi cục Thủy sản, đến nay trễ hạn đăng kiểm là 839 tàu và trễ hạn Giấy phép khai thác thủy sản là 1.880 tàu.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), ông Tiết Minh Khởi cho biết: “Một số phương tiện trễ hạn đăng ký, đăng kiểm là do một bộ phận người dân thiếu ý thức và hiểu biết khi mua lại những phương tiện của tỉnh khác, nên có nhiều khó khăn trong việc đăng ký và đăng kiểm. Những phương tiện này đôi khi được cải hoán từ những phương tiện thủy nội địa”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lâm Văn Phú kiến nghị Chi cục Thủy sản cần tuyên truyền ngư dân hiểu rõ về các quy định khai thác trái phép; các lực lượng thực thi trên biển tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện tranh chấp ngư trường đánh bắt, các nghề cấm hoạt động ven bờ…; xử lý nghiêm bằng các hình thức: Rút giấy phép khai thác, tịch thu ngư lưới cụ, công cụ khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: “Các địa phương cần tổng điều tra phương tiện trên địa bàn, có kết quả báo cáo nhanh về các phương tiện khai thác ven bờ. Trên cơ sở số liệu báo cáo, phương tiện nào đã được cấp phép đến nay hết hạn thì đăng ký lại; còn phương tiện thuộc ngành nghề không được phép hoạt động mà đang khai thác thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh và không cho phát sinh phương tiện mới, hướng đến chuyển đổi ngành nghề. Thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi ngành nghề, xem mô hình nào có hiệu quả, mô hình nào không, đề xuất nhân rộng”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *