“Hương Tràm”: 30 năm – vẫn đóa xuân ngời

Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc (tiền thân là Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc) là hoạt động có ý nghĩa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức định kỳ 3 năm một lần, là dịp hội ngộ của giới cải lương cả nước nhằm tôn vinh những giá trị của nghệ thuật cải lương, tôn vinh những đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của sân khấu cải lương chuyên nghiệp nước nhà. Đây là lần thứ hai sau 30 năm kể từ chiếc Huy chương Vàng năm 1985, Đoàn Cải lương Hương Tràm mới giành được giải thưởng danh giá này.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải tặng bằng khen kèm phần thưởng cho tập thể và các cá nhân đoạt huy chương tại cuộc thi. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khen thưởng cho nhiều tập thể, cá nhân của Đoàn có đóng góp cho sự thành công của vở diễn.

LAO ĐỘNG SÁNG TẠO ĐỂ ĐÚC NÊN “VÀNG”

Đoàn Cải lương Hương Tràm đoạt Huy chương Vàng với vở diễn “Dòng xoáy” thuộc thể loại tâm lý xã hội, khai thác đề tài về hậu chiến, có nội dung tư tưởng tốt, mang tính giáo dục. Những tình tiết của câu chuyện được phát triển xoay quanh nhân vật chính là một nhà cách mạng kiên trung, “Dòng xoáy” là cuộc hành trình tìm lại niềm tin với bao gian truân khổ ải, cuộc hành trình của những con người trung với Đảng, hiếu với dân… Vở diễn được dàn dựng trên nền kịch bản văn học “Dòng xoáy nghiệt ngã” của nhà văn Bích Ngân, tác phẩm đoạt giải B (không có giải A) giải thưởng năm 2014 – 2015 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; chuyển thể cải lương là soạn giả tài năng Hoàng Song Việt; đạo diễn là NSND Trần Ngọc Giàu.

Tất cả những “điểm mạnh” trên là yếu tố thuận lợi bước đầu cho sự thành công của vở diễn. Song, để có một “Dòng xoáy” chinh phục Ban Giám khảo và giới mộ điệu cải lương cả nước cũng như ngay tại cái nôi của đờn ca tài tử (đất Bạc Liêu) không thể không biểu dương những cố gắng, nỗ lực với quyết tâm cao độ của tập thể diễn viên, nghệ sĩ và anh em Đoàn cải lương Hương Tràm. Bắt tay chuẩn bị cho cuộc thi ngay từ đầu năm, qua các bước chọn lựa kịch bản, trao đổi với tác giả chuyển thể để các nhân vật trong vở diễn thực sự “đo ni đóng giày” cho diễn viên Đoàn, lắng nghe ý kiến của anh em trong Đoàn khi phân tích từng nhân vật; rồi tích cực tập luyện, mỗi ngày 3 buổi, buổi tập tối có khi đến 1 – 2 giờ sáng, cận ngày thi diễn vẫn vừa luyện vừa giữ sức; chăm chút trong xử lý âm nhạc, ánh sáng nhằm tạo thêm hiệu ứng cho vở diễn… Bao nhiêu nỗ lực vượt khó, bao nhiêu tâm huyết, tinh thần lao động nghiêm túc, sự sáng tạo dồn trong 130 phút “thăng hoa” trên sân khấu lớn của cuộc thi. Như nghệ sĩ Nguyễn Quốc Tín, Trưởng đoàn, chia sẻ: “Đó thực sự là một công trình mang tính tập thể. Chiếc Huy chương Vàng tại cuộc thi là vinh quang đền đáp cho biết bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của anh em, nghệ sĩ”.

Nghệ thuật đạt đỉnh cao, được khẳng định trong giới cải lương chuyên nghiệp cả nước, được vinh danh trong cuộc tranh tài của lực lượng tham gia hùng hậu nhất từ trước đến nay (27 đơn vị với 33 vở diễn), sánh ngang với các đoàn mạnh như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang…, và giá trị “vàng mười” của chiếc huy chương ấy càng được chứng minh qua sự “thẩm định” trong lòng công chúng yêu cải lương. Bạn Bùi Văn Tưởng, sinh viên Trường Đại học Bạc Liêu, chia sẻ, sau khi được thưởng thức vở diễn: “Với sự đầu tư nghiêm túc, sự hóa thân trọn vẹn cảm xúc của dàn diễn viên, vở “Dòng xoáy” thật sự là một “đặc sản” trong “bữa tiệc cải lương” lần này, xứng đáng là vở đoạt Huy chương Vàng”. Nhà văn Bích Ngân, tác giả kịch bản, cũng rất hài lòng khi xem một “Dòng xoáy” trên sân khấu cải lương qua tài ca diễn “đều tay” của diễn viên Đoàn.

Vở diễn “Dòng xoáy” với nội dung tư tưởng mang tính giáo dục lý tưởng cách mạng, qua tài ca diễn mượt mà và tròn vai của các diễn viên, đã đem về cho Đoàn cải lương Hương Tràm Huy chương Vàng tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015.

Tính từ năm 1985, kể từ chiếc Huy chương Vàng với vở diễn “Trước bình minh”, Đoàn hai lần đoạt Huy chương Bạc vào các năm 1995 với vở “Bóng biển” và năm 2005 với vở “Bến xưa”, đến nay sau 30 năm mới lại đạt được thành tích cao nhất. Đó là một hành trình dài “truyền lửa” giữa những thế hệ tiếp nối, chung sức cho “Hương Tràm” bay cao, bay xa, để rồi “Vàng” của hôm nay đã chứng minh xứng đáng cho một “thương hiệu” cải lương nơi chót mũi Cà Mau. Vượt lên nhiều khó khăn, trong những hoàn cảnh “một nửa tâm tư cho sân khấu, một nửa lo cơm áo gạo tiền”, các diễn viên, nghệ sĩ vẫn sống hết mình vì nghiệp diễn. Theo bước đàn anh, những NSƯT Minh Đương, NSƯT Minh Sang, NSƯT Minh Hoàng, là những nghệ sĩ tài năng đã được công nhận: NSƯT Lịch Sử, NSƯT Hoa Phượng. Và từ cuộc thi năm nay, nghệ sĩ Thế Sơn với chiếc Huy chương Vàng cá nhân đã đủ điều kiện được công nhận danh hiệu NSƯT; NSƯT Hoa Phượng thêm bề dày thành tích của mình với Huy chương Vàng; các nghệ sĩ trẻ Kim Hiền, Hoàng Thanh, Phi Hải có thêm động lực để phấn đấu từ chiếc Huy chương Bạc cá nhân… Cùng với anh em ở các bộ phận khác, tất cả chung sức cho một “đóa Tràm” vẹn nguyên sắc xuân ngời.

“SỨ MỆNH” VỚI NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG, VỚI QUÊ HƯƠNG

Từ Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, nhìn lại 30 năm qua, nhìn quá trình lao động, sáng tạo miệt mài, bền bỉ trong điều kiện rất nhiều khó khăn của các thế hệ diễn viên, nghệ sĩ và nhân viên Đoàn Cải lương Hương Tràm, càng trân trọng “tài sản” mà Đoàn gầy dựng được hôm nay: Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị vừa góp phần giữ sức sống của bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương trong đời sống xã hội hiện đại.

Nếu như trong thời chiến, các chiến sĩ – nghệ sĩ Văn công Cà Mau (tiền thân của Đoàn) đóng góp rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động, thắp thêm lửa đấu tranh trong lòng quân và dân Cà Mau, thì ngày nay Đoàn Cải lương Hương Tràm đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa – văn nghệ. Với sức mạnh tập thể 40 con người, trong đó đội ngũ diễn viên khoảng 20 người, hằng năm Đoàn dàn dựng và biểu diễn phục vụ quần chúng nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của tỉnh, ban, ngành, đoàn thể… khoảng 150 suất (ca múa nhạc, cải lương), vượt chỉ tiêu được giao. Bằng sự nỗ lực của anh em nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên, các chương trình biểu diễn của Đoàn đã góp phần cổ vũ, động viên các phong trào thi đua hành động cách mạng trong quần chúng nhân dân, cho sự thắng lợi của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Nhờ hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, cảnh cuối của vở diễn tạo ấn tượng và gây xúc động mạnh đối với khán giả. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Trong đó, rất đáng trân trọng khi mỗi năm Đoàn có hơn 60 suất diễn phục vụ bà con trong mùa khô, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, làm phong phú hơn đời sống tinh thần của nhân dân. Không chỉ là nhiệm vụ, bởi với cách làm “linh hoạt”, như anh Quốc Tín cho biết là khi xây dựng chương trình có sự kết hợp các tiết mục ca múa nhạc và cải lương nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng, trong đó có lớp trẻ, Đoàn đã thực sự lôi kéo được khán giả. Và thế là, đưa làn điệu tài tử, sân khấu cải lương thấm vào lòng người, giữ được sức sống mạnh mẽ và vững bền giữa đời sống xã hội hiện đại với đa dạng các loại hình giải trí.

Từ “Dòng xoáy” và nhiều vở diễn hấp dẫn tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 cho thấy, một khi được đầu tư xứng đáng, cùng với tài năng của diễn viên thì cải lương chắc chắn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Thật thấu hiểu niềm phấn khởi của nghệ sĩ Quốc Tín khi anh chia sẻ nguyên nhân “ngọn nguồn” của đỉnh cao thành tích hôm nay: “Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, đời sống anh em được cải thiện nhiều. Nhờ vậy, tư tưởng ổn định, tinh thần thoải mái, chuyên tâm cho chuyên môn và chất lượng hoạt động nghệ thuật được nâng lên, minh chứng là kết quả tại Cuộc thi sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua”.

Trong câu chuyện chia vui, chúng tôi cũng cảm nhận nỗi trăn trở ở người nghệ sĩ là Trưởng đoàn về việc xây dựng đội ngũ kế thừa. Dẫu vậy, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hóa – Thông tin và Du lịch, cùng với đó là sự yêu thương trong lòng công chúng yêu cải lương tỉnh nhà, chắc chắn Đoàn Cải lương Hương Tràm sẽ tiếp tục vượt lên khó khăn, giữ sức sống và sức sáng tạo, làm tốt hơn nữa “sứ mệnh” với quê hương, với nghệ thuật truyền thống.

Xuân mới đang đến gần. Nếu xuân là ngày sum họp gia đình của mỗi người, thì với người nghệ sĩ, hạnh phúc chính là được đem lời ca, tiếng hát phục vụ nhân dân, cho mùa xuân tươi vui ở mọi nẻo đường. Như mỗi độ vào xuân, Đoàn Cải lương Hương Tràm hiện đang chuẩn bị kế hoạch lưu diễn ở các địa phương trong tỉnh những ngày tết. Và vở “Dòng xoáy” chắc chắn sẽ là món quà xuân đầy ý nghĩa dành cho bà con yêu cải lương, nhất là tại các vùng quê cách mạng.

“Trong điều kiện nhiều khó khăn trước đây hay cuộc sống được nâng lên hôm nay, một điều rất đáng quý ở tất cả anh em Đoàn Cải lương Hương Tràm là tinh thần đoàn kết, yêu nghề, gắn bó với Đoàn. Kết quả tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu cải lương chuyên nghiệp vừa qua là rất đáng khen ngợi, biểu dương. Qua đó khẳng định được thực lực của Đoàn. Ngoài các nghệ sĩ đoạt huy chương cá nhân, qua xem vở diễn, cá nhân nhận thấy một số diễn viên khác của Đoàn cũng rất xứng đáng có được huy chương”, NSƯT Minh Hoàng, nguyên Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *