Huyện Trần Văn Thời: Cần được hỗ trợ khẩn cấp để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống

Tranh thủ nước rút, người dân vùng ngọt huyện Trần Văn Thời sử dụng máy gặt đập thu hoạch những diện tích lúa hè thu cuối vụ.

Theo đó, ngoại trừ thị trấn Sông Đốc, tất cả các xã, thị trấn còn lại của huyện đều bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất. Trong đó, đứng đầu là xã Khánh Hải, với tổng diện tích lúa bị thiệt hại trên 2.543ha, nhu cầu cần hỗ trợ trên 4,1 tỷ đồng. Kế đến là các xã: Khánh Bình Tây Bắc và Khánh Hưng có diện tích thiệt hại lần lượt là 2.443ha và 2.200ha. Các xã: Trần Hợi, Khánh Lộc, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây đều có diện tích bị thiệt hại trên 1.000ha.

Về nuôi trồng thủy sản, cũng đã có trên 505ha bị thiệt hại, nhu cầu cần hỗ trợ trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói, trong những hộ bị thiệt hại ở loại hình sản xuất này, chỉ có 14 hộ có kê khai sản xuất ban đầu và có đến 1.279 hộ không có giấy chứng nhận kiểm dịch và không có các chứng từ khác về mua bán các đối tượng nuôi bị thiệt hại.

Lực lượng dân quân tự vệ các xã giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, neo đơn… kịp thời thu hoạch lúa, giảm thiệt hại.

“Trước tình trạng mưa lớn kết hợp triều cường kéo dài gây ngập, trong suốt thời gian qua, địa phương đã khẩn trương tiến hành bơm tát nước, nhằm giảm bớt mức độ thiệt hại. Nhiều hình thức tháo úng đã được tổ chức hay cá nhân thực hiện, kể cả việc người dân tiến hành khoanh ô thủy lợi để bơm nước cứu lúa, như ở Khánh Hưng, Khánh Hải”, ông Duy Quốc Tuấn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho biết. Theo ông Tuấn, tổng kinh phí thực hiện công việc này đến nay ước tính trên 4,4 tỷ đồng, cần có sự hỗ trợ kịp thời, nhất là đối với người dân, để họ có nguồn lực khôi phục sản xuất. Liên quan vấn đề về nguồn lực cần hỗ trợ, ông Tuấn cho biết hiện địa phương cần nguồn kinh phí trên 12 tỷ đồng để đầu tư nạo vét chống tràn, trữ nước ngọt vùng ngọt hóa, nhằm bảo vệ các trà lúa năm 2020 – 2021 và những năm tiếp theo, cũng như các công trình chống tràn vùng chuyển dịch.

Nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hiện vẫn ngập sâu trong nước, không chỉ gây khó khăn trong lưu thông mà còn ảnh hưởng đến chất lượng công trình, tiến độ sửa chữa, khắc phục.

Thiên tai từ mưa bão không những gây hại đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, khi trên địa bàn có 144 tuyến đường giao thông nông thôn, đường ô tô về trung tâm xã bị ngập sâu và lâu ngày trong nước, với chiều dài 306.799m. Nhiều vị trí đã hư hỏng, sạt lở, khi nước rút, dự kiến tổng mức sửa chữa, khắc phục nhằm nối lại mạch giao thông khoảng trên 12,2 tỷ đồng. Một thực tế là nhiều vị trí sụt lún do ảnh hưởng từ đợt hạn hán mùa khô 2019 – 2020 gây ra chưa được khắc phục, bởi thiếu nguồn kinh phí, thì nay mưa nhiều gây ngập đã làm cho mức độ sụt lún thêm nghiêm trọng hơn, nhất là về đảm bảo an toàn giao thông cũng như điều kiện khắc phục, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thiệt hại sản xuất, các tổ chức, cá nhân từ thiện và chính quyền địa phương đã kịp thời đến động viên, hỗ trợ bước đầu, giúp người dân ổn định cuộc sống, sớm khôi phục sản xuất.

Ông Võ Quốc Thống – Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Từ ảnh hưởng của thiên tai, thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ giúp dân, địa phương cũng đã xuất kinh phí, vận động các tổ chức, cá nhân từ thiện tiến hành hỗ trợ bước đầu cho người dân vùng ngập những nhu yếu phẩm thiết yếu, tiền mặt, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt, động viên người dân bị thiệt hại tranh thủ thời tiết thuận lợi, nước rút tiến hành khôi phục sản xuất, nhất và việc cải tạo đất cho vụ lúa thu – đông, cũng như vụ hoa màu đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Tiến hành tôn cao bờ vườn, bờ liếp, phục hồi diện tích cây ăn trái lâu năm cũng như đảm bảo diện tích nuôi cá an toàn… Huyện đang kết hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát tình hình thực tế, nhằm đưa ra giải pháp chuyển đổi sản xuất phù hợp trước tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai. Đối với hạ tầng giao thông, ngay khi nước rút hoàn toàn, chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát lại, đánh giá đúng thực trạng, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả, đảm bảo an toàn để cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, nhất là tạo vẻ mỹ quan trong dịp Tết Nguyên đán tới đây”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *