Khắc ghi truyền thống Tân Ân – Vàm Lũng

Sự nghiệp giáo dục được quan tâm.

Ngày 19/10/1962, chiếc tàu mang tên Phương Đông 1, chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) sau nhiều ngày vượt biển mưu trí, anh dũng, kiên trung của thuyền trưởng Lê Văn Một và đồng chí Bông Văn Dĩa, đã cập bến Vàm Lũng. Từ đây, vũ khí được chuyển đi khắp các chiến trường Nam Bộ, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Nhân dân Tân Ân – Rạch Gốc đang ra sức xây dựng quê hương, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng.

Vàm Lũng, Chùm Gọng, Bồ Đề, Rạch Gốc và tên người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa, Nguyễn Văn Cứng… đã đi vào lịch sử con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam cập bến Cà Mau (ngày 16/10/1962) đến chuyến cuối cùng (ngày 5/4/1971), bến Vàm Lũng được bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.

Xã Tân Ân khuyến khích nhân dân đầu tư vươn khơi, đánh bắt hiệu quả, khai thác tiềm năng địa phương ven biển.

Ông Dương Thanh Hải, trước đây từng tham gia công tác trong Đoàn 962, làm nhiệm vụ trông giữ kho vũ khí giai đoạn từ năm 1969-1972 tại của biển Vàm Lũng, nhớ lại: “Ngày 19/10/1962, tàu Phương Đông 1 cập bến Vàm Lũng an toàn và mở ra đường Hồ Chí Minh trên biển, tạo tiền đề cho những chuyến tàu vận chuyển vũ khí bằng đường biển. Để che mắt địch, công việc vận chuyển vũ khí chủ yếu diễn ra vào ban đêm, đúng thời điểm con nước lớn để các đồng chí bộ đội thuận lợi chuyển vũ khí vào kho. Nhờ nhân dân vùng biển Tân Ân đùm bọc, chở che nên mọi việc diễn ra suôn sẻ, không bị địch phát hiện gây thiệt hại cho cách mạng”. Đại tá Hồ Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy 55, Cục Kỹ thuật hải quân, đóng quân vùng đất Tây Nam Bộ, chia sẻ khi được đặt chân đến Vàm Lũng: “Vàm Lũng là địa danh đã ghi vào trang sử của dân tộc. Thế hệ những cán bộ công tác trong Cục Kỹ thuật hải quân rất bùi ngùi, xúc động khi đặt chân đến đây. Vàm Lũng hôm nay như là một nhân chứng của lịch sử, nơi vinh danh biết bao chiến sĩ anh hùng hy sinh vì công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi nguyện ghi nhớ công lao, ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, làm rạng danh Đoàn 962 anh hùng”.

Nhân dân Tân Ân ra sức tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Để ghi nhớ những chiến công vang dội, bất tử của Đoàn tàu Không Số, tại huyện đã được xây dựng Tượng đài Chiến thắng Vàm Lũng, đường Hồ Chí Minh trên biển, Nhà trưng bày tư liệu truyền thống và một số công trình có liên quan. Ngày nay, dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhân dân Tân Ân vẫn quyết tâm gìn giữ truyền thống anh hùng ấy, ra sức xây dựng quê hương. Đảng bộ và nhân dân xã Tân Ân đã và đang đoàn kết một lòng, chung sức phát triển quê hương đất nước, từng bước vực dậy tiềm năng kinh tế – xã hội của một xã vùng ven biển, từng bước đi lên xứng tầm truyền thống Tân Ân – Vàm Lũng. Ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND xã: “Phát huy truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Tân Ân nguyện ra sức cống hiến, xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc. Phấn đấu đến năm 2020 Tân Ân sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã quyết tâm 100% hộ nghèo có mức sống trung bình, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng được xây cất nhà ở và có mức sống ổn định”.

Thế hệ trẻ xã Tân Ân cũng ra sức gìn giữ truyền thống cách mạng, quyết tâm cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Bạn Tiết Hữu Thành, đoàn viên xã, cảm nhận: “Bản thân rất vinh dự và tự hào vì địa phương mình có truyền thống lịch sử bến Vàm Lũng – nơi ghi dấu những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Hế hệ trẻ chúng tôi nguyện học tập theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẵn sàng nhận và hoàn thành những nhiệm vụ được giao, nối tiếp truyền thống cách mạng, sống xứng đáng với quê hương Tân Ân anh hùng”.

Bến Vàm Lũng đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia. Đây là niềm tự hào của cán bộ, nhân dân huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc. Dù thời gian có qua đi, nhưng Vàm Lũng – Tân Ân – Rạch Gốc vẫn sống mãi cùng năm tháng, đi cùng những chiến công vang dội của các anh hùng, liệt sĩ đã mở ra đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *