Khắc khoải nơi này!

Cuộc sống còn khó khăn, người dân T29 mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền nên việc đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mang tính quy mô và bền vững. Ảnh: Ông Lâm Thành Đức với các hình thức sản xuất quy mô nhỏ, thiếu tính ổn định và bền vững.

Không xa lạ gì với cái xóm nhà theo tuyến Kênh T29 của xã Nguyễn Phích, và rõ hơn là Ấp 11, bởi đây được xem là mô hình kiểu mẫu trong việc tái định canh, định cư dưới tán rừng tràm, có từ cách nay trên chục năm. Năm 2003, trên 40 hộ là người dân tộc Khmer nghèo, không đất sản xuất, được Nhà nước hỗ trợ tấm lợp, cột nhà, cấp đất ở, đất sản xuất, về định cư dọc theo tuyến T29, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Một con đường nhựa thẳng tắp đi vào, xuyên qua xóm mới, ngày ấy được xem là một trong những tuyến đường quy mô, đẹp nhất của huyện U Minh. Điện cũng đã kịp về nơi đây rất sớm, tạo nên vệt sáng giữa rừng U Minh. Trường học được hình thành khang trang với những phòng học kiên cố… Có thể thấy, mọi nỗ lực của huyện U Minh và tỉnh Cà Mau, mong muốn biến nơi đây trở thành tuyến dân cư kiểu mẫu, thực sự phát triển mang tính bền vững về mọi mặt.

Sau nhiều năm cải tạo, vùng đất T29 vẫn sản xuất lúa mùa theo hình thức rất thủ công, như phát, cấy nọc. Cùng với hạ tầng thủy lợi thiếu đảm bảo, kéo theo năng suất lúa rất thấp, đời sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong suốt thời gian dài.

Trở lại T29 sau trên 10 năm hình thành, ông Nguyễn Thiện Hậu – Phó Trưởng Ấp 11 cho biết, những người nhận đất ngày ấy hầu hết đã sang lại đất cho người khác, bỏ đi, chỉ còn một vài hộ trụ lại, nhưng đa phần đều nghèo, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Ông Lâm Thành Đức (Bảy Đức) là một trong những người còn sót lại trong những lớp người đầu tiên đến đây, được Phó Trưởng ấp Nguyễn Thiện Hậu tấm tắc khen là người miệt mài, cần cù trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, trực tiếp đến thăm, thấy gia đình ông Bảy Đức chỉ đủ ăn, chưa gọi là khá giả và những mô hình sản xuất cũng chưa mang tính bền vững, còn nhỏ lẻ. Ông Bảy Đức thú thật: Lúa mùa ngoài đồng ngập chết hết, đàn heo thì mới “bể”, năm nay thật khó khăn. Nhà có 2 vợ chồng già hủ hỉ, bám víu nhau sống khi các con đã ra riêng. Đang vào mùa, nhưng ông Bảy Đức cho biết ở nhà cũng không có việc gì làm nên vợ ông đã lên thị trấn U Minh bán quán nước thuê. Đau đáu nhìn qua khe cửa sau nhà, ngoài ấy những cụm sậy trên liếp vườn mọc quá đầu người, ra bông trắng xóa, ông Bảy Đức thở dài.

Sau đợt mưa lớn vừa qua, nhiều diện tích lúa mùa ở T29 chìm sâu trong nước, gây thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhiều gia đình không có khả năng tái sản xuất đành bỏ đất trống, hẹn mùa sau. Và thực tế, do nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại, hiện lượng mạ cấy lấp không có khả năng đáp ứng. Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, trong đợt mưa lớn vừa qua, qua nắm sơ bộ, địa phương có 3.633ha lúa mùa, hè thu, ao cá bị thiệt hại.

Ông Bảy Đức đã bỏ ruộng, nhưng ông Bồ Thanh Tùng thì không, bởi triết lý đơn giản: Mình bỏ ruộng, cỏ mọc nhiều, chuột vào trú ẩn rồi sang phá phách ruộng vườn hàng xóm rồi sao, kỳ lắm! Gắng gượng sau đợt cấy lúa bị mưa ngập chết sạch vừa qua, Bồ Văn Được, con trai của ông Bồ Tùng Linh ngược ra Khánh An tìm mua cho bằng được mạ về cấy, dù có là mạ già, quá lứa, mạ xấu, đắt tiền. Bà Nguyễn Thị Nhủng, vợ ông Bồ Tùng Linh: Nếu tính sau 2 đợt cấy, dù năm nay có trúng lắm (khoảng 15 giạ/công) thì cũng lỗ nặng, nhưng được cái là có gạo ăn, có việc để làm. Nhà nông mà, không làm ruộng biết làm gì.

Trở lại với câu chuyện sản xuất của ông Bảy Đức, ông cho biết từ khi nhận đất tới giờ, năm nào cũng quyết tâm không bỏ đất trống. Cần cù mãi, nhưng ông Bảy Đức chưa bao giờ thấy có lãi từ vụ lúa, có những năm do thời tiết không thuận lợi, trắng tay. Quyết tâm là vậy, bám trụ với ruộng đồng, đeo đuổi trên chục năm trời, ấy mà năm nay ông Bảy Đức đã buông. Sau mưa trên chục ngày rồi mà nước ngoài đồng cao hơn lưng quần, làm sao mà cấy, ông Bảy Đức tức tối. Suy tư hồi lâu, ông Bảy Đức vạch ra hướng đi cho tương lai khi tuổi xế chiều, là sẽ tiến hành lên liếp làm vườn, trồng cây ăn trái, trồng dây lấy củ… Và thực tế, đã có những hộ, sau nhiều năm tích cóp, tiến hành đưa cơ giới vào khai phá, lên liếp trồng rừng thâm canh. Song, đây đều là những lớp người sau này, có tiền sang lại hết phần đất mà Nhà nước đã cấp cho dân nghèo không có đất ở, đất sản xuất trước đây. Và một thực tế, sau bao năm khai phá, biến đất rừng thành đồng lúa, nay đất nơi này đang dần trở về với nguyên thủy, dù hình thức có tiến bộ hơn.

Nơi đây xưa kia là đất rừng, sau bao năm khai phá để trồng lúa nhưng kém hiệu quả, người dân T29 nay chuyển đổi trồng rừng thâm canh. Hiện đã có hàng chục hecta đất trồng lúa nơi đây đã chuyển sang trồng rừng.

Trong cách nghĩ là vậy, nhưng thực tế ông Bảy Đức không có vốn để chuyển đổi mô hình sản xuất. Ông Bồ Thanh Tùng thì dù đang cho thấy rất quyết tâm với cây lúa, nhưng không biết sẽ phải trụ đến đâu, khi mà những hộ gần kề người bỏ ruộng, ai có vốn thì đang chuyển đổi sang trồng rừng thâm canh.

Sau trên 10 năm hình thành, sản xuất ở T29 vẫn chưa mang lại hiệu quả, các hoạt động của nhà nông vẫn cứ lặng lẽ vào mùa. Tuy nhiên, đi sâu vào nội tại, các hình thức sản xuất nơi đây đang đan xen vào nhau, tạo nên một cuộc cạnh tranh âm thầm nhưng khá mạnh mẽ. Cuộc sống và hình thức sản xuất giữ hai lớp người định cư tại đây đang ngày càng lớn dần và cái kết đã được báo trước. Rồi đây, những lớp người đầu tiên đến với vùng đất này theo chủ trương thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước sẽ còn mấy ai?!.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *