Khẩn cấp kè hộ đê biển Tây

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) kiểm tra thực tế, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ đê biển.

Trước đó, vào chiều 3/8, tại tuyến đê phòng hộ ven biển thuộc xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), sóng lớn cùng nước biển dâng cao đã đánh liên tiếp vào tuyến đê, gây sạt lở thân đê một đoạn dài trên 300m.

Sóng biển vượt qua kè hộ đê, tiến vào áp sát, gây sạt lở chân đê.

Thông tin từ người dân địa phương cho biết, nước dâng diễn ra khá nhanh và bất ngờ làm người dân trở tay không kịp, nhiều vật dụng gia đình bị nước biển tràn vào, gây hư hại nghiêm trọng. Ở ngoài tuyến đê, sóng biển vượt qua kè chắn sóng, tiến vào và vượt qua mặt đê biển, tràn vào vùng ngọt hóa.

Không chỉ ảnh hưởng tại xã Khánh Bình Tây, nước biển dâng còn gây ngập tại thị trấn Sông Đốc; cùng với đó, đoạn đê biển Tây tại Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) cũng xảy ra tình trạng sạt lở.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết, đây là tuyến đê vừa được cải tạo, cao trình trên 3m, việc sóng biển dâng cao và vượt qua mặt đê như thế này là điều bất ngờ và chưa từng xảy ra tại Cà Mau.

Trước mắt, tỉnh huy động mọi lực lượng, phương tiện và sử dụng giải pháp kè hộ đê nhằm gia cố mặt đê và mái đê một cách tạm thời, ngăn chặn tình trạng sạt lở chân đê.

Giải pháp về lâu dài, sẽ tiến hành kiên cố hóa mái đê, tiếp tục kè hộ đê nhằm gây bồi, tạo bãi trồng rừng phòng hộ…

“Dọc theo tuyến biển từ Đông sang Tây ở Cà Mau, nơi nào cũng xảy ra tình trạng sạt lở, diễn ra quanh năm, nguy cấp nhất trong mùa mưa bão. Ngoài nguồn lực của địa phương và hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, Cà Mau mong muốn tiếp tục nhận sự quan tâm đặc biệt từ các cấp, các tổ chức, giúp địa phương ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn tiến ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai, thời tiết”, ông Nguyễn Tiến Hải chia sẻ.

Chiều cùng ngày, thời tiết trên địa bàn vẫn âm u, nhiều nơi có mưa, giông. Tại tuyến đê biển, nhất là ở những điểm xảy ra sạt lở, mưa giông gây sóng to, làm cho công tác kè hộ đê gặp nhiều khó khăn.

Không khí hộ đê khẩn trương vào sáng ngày 4/8.

 

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện U Minh ngày 3/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa lớn, kèm theo gió mạnh đã làm sập hoàn toàn 22 căn nhà, tốc mái 53 căn, ước thiệt hại khoảng 749 triệu đồng; nước dâng ngập nhà 723 hộ, ước thiệt hại gần 3,4 tỷ đồng.

Theo đó, địa phương đã kịp thời tổ chức các đoàn đến thăm và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại, động viên các gia đình sửa chữa lại nhà, ổn định cuộc sống.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *