Khẩn trương bảo vệ đê biển Tây

Theo tính toán của ngành chuyên môn, để hoàn thành phần việc này, tổng khối lượng bùn và cát cần được bơm vào tuyến kênh ven chân đê phải đạt gần 200.000m³.

Hệ thống bơm cát, bùn được đặt cách xa tuyến bờ hàng trăm mét, ngoài hệ thống kè chắn sóng hộ đê, được dẫn vào bằng đường ống kích cỡ lớn.Đã có 26.450m³ đất bùn, cát được bơm vào, lắp kênh theo từng vị trí. Hàng trăm khối đất đã được tập kết để tạo mái đê lớn về phía biển, sau đó sử dụng giải pháp công trình nhằm kiên cố hóa mái đê, giữ vững thân đê trong mùa mưa bão.

Bên cạnh tạo phản áp, việc làm này còn tạo mặt bằng rộng lớn ven chân đê để tiến tới hình thành khu tái định cư cho cư dân ven biển; mặc khác, hướng tới mục tiêu phát triển dân cư, tạo bộ mặt đô thị tại cửa biển thuộc ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây), khu du lịch thuộc Di tích Lịch sử quốc gia Hòn Đá Bạc, góp phần phát triển kinh tế biển…

Hiện, công việc bơm bùn và cát ngoài biển (nằm ngoài kè giảm sóng hộ đê) đang được gấp rút thực hiện với các tổ máy hoạt động 24/24 giờ, quyết tâm hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.

Nhiều tổ máy bơm hoạt động hết công suất liên tục trong 24/24 giờ, đưa hàng nghìn khối bùn, cát vào lòng kênh ven chân đê.

Vừa qua, tuyến đê biển Tây (đoạn Đá Bạc – Kinh Mới) xảy ra 2 sự cố liên tiếp, gây sụt lún hoàn toàn mặt đê với chiều dài trên 240m. Hiện xuất hiện khoảng 4.000m có dấu hiệu sụt lún tiếp theo. Nguyên nhân được cho là tuyến kênh ven chân đê phía trong khô cạn do hạn hán, dẫn đến mất phản áp, gây nên sụt lún mặt đê.

Trước đó, trong mùa mưa bão (tháng 8/2019), cũng đoạn đê này, tại vị trí từ Vàm Kinh Mới về Đá Bạc, đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, một lượng nước mặn theo sóng lớn đã tràn qua mặt đê tiến vào vùng ngọt hóa. Toàn tuyến chân đê bị sạt lở, tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp, huy động lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ kè hộ đê mang tính tạm thời…

Song song với công việc trên, hiện tỉnh cũng đang tiến hành đắp đất, tạo nền ổn định mái đê, tiến tới thực hiện giải pháp công trình áp mái kiên cố tuyến chân đê tại Vàm Kinh Mới hướng về Đá Bạc.

Đây là đoạn không còn đai rừng phòng hộ, triều cường kéo theo sóng biển gây áp lực trực tiếp, luôn trong tình trạng đứng trước nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết đang tiếp tục tập trung nhân lực, phương tiện, quyết tâm hoàn thành công trình trước mùa mưa bão.

Đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng đi do tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ tuyến đê sẽ đối mặt với biển, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho vùng sản xuất nông nghiệp hệ sinh thái ngọt (ảnh chụp tại Vàm Kinh Tư – xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời).

Theo thông tin mới nhất từ Chi cục Thủy lợi tỉnh, do triều cường dâng cao kết hợp với tình hình biển động, đã làm cho tình hình sạt lở bờ biển Tây ngày càng nghiêm trọng.

Hiện có 2.100m sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 5.447m sạt lở nguy hiểm và đang tiếp tục sạt lở thêm. Ngoài ra, còn tiếp tục phát sinh những điểm sạt lở mới, diễn biến nhanh, làm cho đai rừng và diện tích rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp dần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *