Khẩn trương “vá” đê biển Tây

Đê biển Tây Cà Mau nói chung và đoạn Hương Mai – Tiểu Dừa nói riêng, luôn bị tổn thương nghiêm trọng sau những đợt thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp. Sau những đợt mưa bão đi qua, Cà Mau lại phải tập trung mọi nguồn lực “vá” đê, nhất là tại những vị trí không còn đai rừng phòng hộ.

Dọc theo tuyến đê từ cửa Hương Mai đến Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh), nhiều đơn vị đang đẩy nhanh thi công kè, từ kè áp mái đến kè ly tâm phá sóng tạo bãi. Phương tiện, nhân lực và vật tư được tập kết, thi công liên tục theo cơ chế khẩn cấp, quyết tâm “vá” những vị trí nguy cấp trong thời gian sớm nhất.

Đoạn đê này có chiều dài sạt lở 925m, đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, một số đoạn không còn đai rừng. Dù bên ngoài đã có kè ly tâm, tuy nhiên diễn biến sạt lở vẫn rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đê biển, có khả năng gây vỡ đê khi thời tiết cực đoan kết hợp triều cường.

Giải pháp kè áp mái bằng đá tảng được thực hiện nhằm giữ ổn định chân đê. Đây được xem là giải pháp tối ưu trong điều kiện thi công tại vùng ven biển, thời tiết thay đổi liên tục, rất vất vả trong việc sử dụng phương tiện, thiết bị cơ giới trên công trình. Việc vận chuyển, tập kết vật tư xây dựng cũng gặp rất nhiều khó khăn do nguồn khá xa, từ các tỉnh về, qua nhiều công đoạn, phương tiện mới đến được chân công trình…

Sử dụng vật liệu tại chỗ, kết hợp với đá tảng, lưới kẽm, thảm nhựa… tạo thành những mái đê kiên cố, vững chắc.

Vị trí, thời tiết, điều kiện… triển khai kè hộ đê ở Cà Mau luôn gặp nhiều bất lợi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các đơn vị, việc vận dụng sáng tạo với nhiều hình thức, giải pháp công trình được thực hiện phù hợp, thực tế và triển khai kịp thời, đê biển Tây Cà Mau hiện vẫn được giữ vững, bảo vệ được đời sống của trên 26.100 hộ dân và vùng sản xuất rộng lớn 128.900ha đất sản xuất nông nghiệp.

Nhiều vị trí kè mái đê đã được hoàn thành, khá vững chắc. Đây là cả một quá trình, tiêu tốn nhiều nguồn lực, vật lực. Kè ly tâm phá sóng từ xa vẫn đang được tiếp tục thực hiện, gia cố liên tục, nhằm giảm áp lực lên thân đê, cũng như tạo bãi, khôi phục đai rừng phòng hộ.Dù được thực hiện với nhiều giải pháp công trình, tuy nhiên, với nguồn lực và điều kiện khó khăn, đê biển Tây Cà Mau vẫn khá mong manh trước biển.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai vùng ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây, thuộc địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Theo đó, tổng chiều dài tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây là 3.325m với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thực hiện giải pháp công trình khẩn cấp để bảo vệ đê.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với 2 địa phương trên khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở… Ngành chuyên môn và địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công theo tình huống khẩn cấp. UBND huyện U Minh và Trần Văn Thời tiến hành vận động, sơ tán người và di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm (phía ngoài đê); nghiêm cấm mọi tác động vào rừng và đất rừng khu vực sạt lở, không để xảy ra tình trạng sạt lở diễn ra nhanh và nguy hiểm hơn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *