Khánh An tiến tới xã nông thôn mới không có hộ đói nghèo

Đảng viên đi đầu…

Sau 4 năm được công nhận xã NTM, Đảng bộ, UBND cùng các đoàn thể và nhân dân xã Khánh An không ngừng nỗ lực giữ chuẩn và nâng chất các tiêu chí đã đạt được, để NTM ngày một toàn diện hơn. Dù thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng với tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, xã vẫn còn gặp khó khăn. Ông Quách Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy xã: “Việc xóa trắng hộ nghèo là khó khăn nhất. Qua rà soát, toàn xã có 137 hộ nghèo và 74 hộ cận nghèo, rải đều ở các ấp, mỗi hộ lại có hoàn cảnh khác nhau. Để giúp họ thoát nghèo một cách bền vững, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với bà con, để từ đó nắm rõ hoàn cảnh cũng như tâm tư, nguyện vọng của từng hộ để có hướng hỗ trợ sát nhất”.

Đa phần các hộ nghèo là do không đất sản xuất, thiếu vốn phát triển kinh tế… Để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ sử dụng đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả, xã chỉ đạo chi bộ ấp đảm nhận và phân công cho từng đảng viên đồng hành, hỗ trợ các hộ nghèo trong phát triển sản xuất và hàng tháng báo cáo trước chi bộ về những kết quả đạt được. Nhờ đó, mô hình thoát nghèo được phát huy hiệu quả.

Ở mỗi kỳ họp chi bộ, các đảng viên đều có báo cáo về kết quả thực hiện hỗ trợ hộ nghèo.

Điển hình, Ấp 2 từng là ấp nghèo, nhưng với nỗ lực của Chi bộ, ấp từng bước “xóa trắng hộ nghèo”. Năm 2015, ấp có 9 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo; những hộ này được đánh giá là “nghèo bền vững” vì không có nhân công lao động, không đất sản xuất, hoàn cảnh bệnh tật… Nhưng bằng biện pháp “cầm tay chỉ việc” và phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Chi bộ đã từng bước dìu dắt được những hộ này vươn lên thoát nghèo.

Là người theo sát quá trình thoát nghèo của bà con trên địa bàn ấp, ông Đào Thanh Hà, đảng viên thuộc Chi bộ ấp, chia sẻ: “Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, mình không thể “ép” người ta thoát nghèo được, vì điều kiện không cho phép. Khi thì đến động viên, khi thì hỗ trợ con giống, khi thì chỉ cách làm ăn, mỗi ngày làm từng chút một để họ tin là họ có thể thoát được nghèo, từ đó có ý thức vươn lên”. Bằng cách làm này, mỗi đảng viên tự chịu trách nhiệm trước Chi bộ, chịu trách nhiệm với hộ nghèo mình phụ trách, từ đó “đồng hành” cùng họ thoát nghèo. Ông Hà nói vui: “Riết chuyện nhà người ta giống như chuyện nhà mình”.

Ông Mai Văn Hướng, Bí thư Chi bộ ấp, phấn khởi: “Mỗi năm Chi bộ Ấp 2 giảm được từ 3 – 4 hộ nghèo. Qua 4 năm, ấp đã xóa trắng hộ nghèo, hiện chỉ còn 2 hộ cận nghèo và phấn đấu đến cuối năm thoát cận nghèo bền vững”.

… Để dân tin – dân làm

Ông Hướng chia sẻ: “Đa phần các hộ nghèo không có nhà ở ổn định, phải ở tạm trong căn nhà xiêu vẹo, tâm lý lo lắng khi có mưa gió. Hiểu và thông cảm cho những hoàn cảnh khó khăn, Chi bộ phối hợp với chính quyền xã vận động các mạnh thường quân, tận dụng các nguồn vốn từ các chương trình để hỗ trợ nhà ở, để các hộ dân sớm được an cư, lạc nghiệp”.

Là hộ được Công ty Dầu khí Cà Mau hỗ trợ căn nhà năm 2016, bà Trần Thị Thiêu trần tình: “Năm đó, ngôi nhà của gia đình dột trước dột sau, trời mưa không có chỗ để ngủ, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ cho căn nhà vững chắc, tôi mới yên tâm đi làm để nuôi các con”.

Khi đời sống của người dân được nâng lên sẽ góp phần rất lớn cùng với địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vợ chồng bà Thiêu chia tay nhau cách đây hơn 17 năm, một mình bà phải nuôi hai đứa con thơ dại. Tối gói bánh, sáng chở đi bán, cực khổ là thế nhưng vẫn không đủ tiền nuôi các con ở tuổi ăn tuổi học. Nhờ chính quyền hỗ trợ nhà và Chi hội Phụ nữ ấp cho mượn vốn xoay vòng để phát triển kinh tế, bà mở tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán, xung quanh nhà trồng thêm cây ăn trái, dưới ao nuôi thêm cá. Lấy công làm lời, cây cho thu hoạch, có nguồn vốn lớn, bà thuê thêm đất để nuôi tôm. Bà Thiêu chia sẻ: “Giờ mong muốn duy nhất của tôi là đứa con nhỏ học xong lớp 12 rồi học nghề, có cái nghề ổn định cho tương lai của con”.

Hộ chị Trần Ngọc Ghi cũng không kém phần khốn khó. Chị Ghi và chồng chia tay nhau khi con gái chị còn nhỏ dại. Chồng chị theo người phụ nữ khác, bỏ mẹ con chị bơ vơ không nơi nương tựa. Những năm đầu chị phải gửi con cho ông bà ngoại trông hộ để lên Bình Dương làm thuê. Nhưng con chị ngày một lớn, chị đành bỏ công việc xứ xa về địa phương làm thuê để chăm sóc, dạy dỗ, lo cho con ăn học. Chị làm đủ công việc để kiếm tiền. Trước hoàn cảnh khó khăn của chị, Chi bộ Ấp 2 đã vận động hỗ trợ căn nhà để mẹ con chị có chỗ che mưa che nắng, đồng thời tạo điều kiện cho chị vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Chị Ghi cho biết: “Nhờ vay được vốn, tôi bắt đầu mua heo giống về nuôi, rồi nhân rộng đàn. Hiện tại, đã được 2 con heo giống, 6 con heo con. Bên cạnh đó, tôi còn thuê đất trồng hoa màu để tăng thu nhập”.

Ngoài cách giúp đỡ hộ nghèo, xã còn chỉ đạo chi bộ, chính quyền từng ấp rà soát trên địa bàn, xem ai có nhu cầu đi làm thì sẽ giới thiệu cho vào làm ở nhà máy may bao bì và bảo vệ ở Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm để tăng thu nhập.

Để giữ vững và nhân rộng mô hình “xóa trắng hộ nghèo”, Phó Bí thư Đảng ủy xã, ông Quách Văn Hợp: “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phân công cán bộ, đảng viên bám sát địa bàn; mỗi đảng viên sẽ hướng dẫn, giúp đỡ 1 – 2 hộ nghèo cách làm ăn. Đối với những hộ đã thoát nghèo, thì tiếp tục giúp đỡ để họ ổn định, vươn lên, nhằm tránh tình trạng tái nghèo. Đồng thời, triển khai nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn, từng bước hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất và tiến tới mô hình xã NTM không có hộ đói nghèo”.

Ngoài Ấp 2, trong thời gian tới, xã sẽ từng bước xóa trắng hộ nghèo ở Ấp 11, Ấp 4 và Ấp 6. Với sự hỗ trợ của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và ý chí vươn lên thoát nghèo của từng hộ dân, tin chắc rằng đây là hướng đi bền vững để Khánh An tiến nhanh đến đích “thương hiệu” xã NTM không có hộ đói nghèo như đã đề ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *