Khi người dân chưa muốn… thoát nghèo!

Nhiều hộ dân chưa có ý thức tự vươn lên

Xã Khánh Thuận là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ hai của huyện U Minh, tỷ lệ 13,4%. Trong đó, chủ yếu hộ nghèo về thu nhập, chiếm 328/436 hộ. Một thực tế là bên cạnh những hộ nghèo tích cực lao động, vươn lên thoát nghèo thì một số ít hộ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bà Nguyễn Thị Điệp (Ấp 4): “20 năm vợ chồng ở nhờ trên phần đất mượn, không đất sản xuất, 4 con trai mong muốn được hỗ trợ nhà ở, có cơ sở làm ăn”. Khi được hỏi người con trai lớn của bà bao nhiêu tuổi, bà cho biết trên 40 tuổi, người con nhỏ nhất cũng đã ngoài 20 tuổi, hiện không có việc làm.

Ông Nguyễn Văn Rớt, cư ngụ cùng ấp thì khẳng định chắc nịch: “Nếu không có đất thì không thể thoát được nghèo. Vốn cho hộ nghèo vay tối đa chỉ có 15 triệu đồng nên không thể thoát nghèo được. Vả lại người nghèo vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn này”.

Một nghịch lý là trên địa bàn xã có Công ty Xuất khẩu chuối Nam Mỹ thường xuyên tuyển lao động, xa hơn là tại TP. Cà Mau có hàng trăm công ty lớn nhỏ cần nhân công. Câu hỏi đặt ra là nhiều địa phương có hàng trăm thanh niên đi làm việc ngoài tỉnh để giúp gia đình thoát nghèo, tại sao gia đình bà Điệp có con trong tuổi lao động lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà không tự vươn lên?

Thêm nữa, trong buổi đối thoại với hộ nghèo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tại xã Nguyễn Phích mới đây, rất nhiều ý kiến của người dân xin được hỗ trợ về nhà ở, về vay vốn phát triển kinh tế, nhưng đa phần họ không muốn hoàn lại vốn. Chị Thạch Thị Tím (Ấp 3), mong muốn được vay 25 triệu đồng cất nhà, song cho rằng với số tiền này không đủ, mong được vay thêm. Trong khi đó, với số tiền vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất ưu đãi cho hộ nghèo chỉ 0,25%, tương đương khoảng 62 ngàn đồng/tháng, chị Tím vẫn than không có khả năng đóng lãi.

Hay hộ chị Lý Thị Oanh (Ấp 17), được hỗ trợ nhà ở theo Chương trình 135, qua thời gian, nhà đã sập nhưng gia đình chị vẫn không có tiền cất mới, chị Oanh mong muốn được hỗ trợ gạo và nhà mới để có chỗ che mưa, che nắng.

Cũng tại buổi đối thoại, một phụ nữ ngoài 30 tuổi tên Nguyễn Thị Dước (Ấp 16) kiến nghị được vay thêm 25 triệu đồng để thuê đất nuôi tôm. Vì trước đây gia đình đã vay hơn 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên không biết được vay tiếp nữa hay không. Chị cho biết, chồng chị bị bệnh hở van tim hai lá, con chị 2 đứa đều mắc bệnh thiếu máu, phải lên bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh điều trị.

Đành rằng, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau, trong đó có cả những biến cố bất ngờ ập đến khiến họ chưa thể thực hiện ước mơ thoát nghèo, mặc dù chính quyền địa phương các cấp, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân luôn quan tâm giúp đỡ. Song, đa phần những hộ gia đình chúng tôi tiếp xúc trên đều có người trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe, thì ý thức “tự cứu mình, trước khi chờ người khác cứu” là điều họ hết sức nên làm.

Chị Nguyễn Thị Bình, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện U Minh, lý giải: “Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là đà cho hộ nghèo vươn lên. Họ phải có ý thức, tiếp cận nhiều mô hình kinh tế để “tự thân vận động” vươn lên làm giàu chính đáng”.

Những buổi đối thoại trực tiếp như thế này sẽ giúp cho chính quyền địa phương nắm được tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân, từ đó đề ra những phương pháp hỗ trợ thiết thực.

Giảm nghèo luôn là bài toán khó

Đó là xác định của Chủ tịch UBND huyện U Minh, ông Dư Bé Ba khi nói đến công tác giảm nghèo: “U Minh hiện có tỷ lệ hộ nghèo trên 7%, cao nhất tỉnh. Nguyên nhân nghèo là do không đất sản xuất, thiếu đất ở. Do gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống trên một phần đất, sau khi ra riêng lại không có đất, họa chăng chỉ được cái nền để cất nhà. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác như nghèo nhưng không chịu lao động để tạo ra của cải vật chất, trong khi U Minh có rất nhiều tiềm năng để phát triển”.

“Những hộ không có nhà ở thì yêu cầu cấp nhà, hộ thiếu đất sản xuất lại thiết tha có đất để canh tác. Đã có nhiều khu tái định cư dành cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc vào sinh sống nhưng chỉ được vài năm thì nhiều hộ bỏ nhà đi làm ăn nơi khác: Khu tái định cư ở Hương Mai (xã Khánh Tiến), khu tái định cư Lung Ranh (xã Khánh Hội) đang trong tình trạng như vậy. Hay khu tái định cư ở Khóm 3, thị trấn U Minh, ban đầu dự kiến có 10 hộ vào ở nhưng hiện nay chỉ mới có 3 hộ vào ở, còn lại 7 hộ chưa biết nguyên nhân tại sao không vào, thậm chí có những hộ mới vừa ký giấy nhận nền, đã ký sang nhượng lại cho người khác”, ông Võ Hải Phận, Trưởng phòng Dân tộc huyện U Minh, cho biết.

Thực tế đã qua, khi người dân có nhu cầu, được chính quyền địa phương đáp ứng thì người dân có vô vàn lý do để biện minh cho những khó khăn của mình. Có rất nhiều nguyên nhân nghèo, nhưng lười lao động để đi đến con đường nghèo túng, rồi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước là điều khó có thể chấp nhận. U Minh có một lợi thế rất lớn, có “rừng vàng, biển bạc” tập trung nhiều ngành hàng chủ lực của tỉnh: Cá đồng, chuối xiêm, lúa hữu cơ, gỗ… Lợi thế là vậy, tài nguyên là thế nhưng U Minh lại là huyện nghèo nhất của tỉnh.

Bên cạnh những hộ trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước thì cũng có không ít hộ biết vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hộ chị Đỗ Thị Dung (Ấp 10, xã Nguyễn Phích) là một điển hình. Nhận được nguồn vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế hộ gia đình, với 15 triệu đồng tiền vay, chị mua heo nuôi. Cứ mỗi lứa heo bán được, chị chừa lại 1 con heo giống, nhiều đàn heo nối tiếp nhau xuất chuồng phần nào cũng giúp cho gia đình chị thoát được nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.

Xóa nghèo là một chủ trương đúng đắn, là sự ưu việt của Đảng và Nhà nước, điều này không cần phải bàn cãi. Bởi đã qua, đã có hàng ngàn hộ dân trong tỉnh từ cảnh nghèo khó, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương đã vươn lên thoát nghèo; có cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Phải chăng nghèo chỉ một phần từ yếu tố khách quan, phần còn lại là yếu tố chủ quan của người dân, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hiện đã “ăn sâu” vào từng suy nghĩ của một bộ phận hộ nghèo trong tỉnh nói chung, huyện U Minh nói riêng. Và phải chăng sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước là “động lực” để người nghèo ngày càng muốn… nghèo (!?). Đây là điều chúng ta đáng suy ngẫm.

Đối với U Minh, xác định huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh. Để về đích nông thôn mới vào năm 2020, Huyện ủy đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo. Đồng thời xây dựng các phương án, kế hoạch chi tiết để thực hiện. Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Kế hoạch trong năm 2019, U Minh phải giảm trên 2,5% hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, huyện chỉ đạo cho các địa phương tập trung tuyên truyền nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế nhưng phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của huyện. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp người dân nắm bắt, mạnh dạn chuyển đổi trong sản xuất”. Ông Dư Bé Ba cũng thừa nhận, công tác tuyên truyền vận động của các cấp, các ngành, địa phương chưa tới nơi tới chốn, nhiều hộ còn mơ hồ, chưa nắm được thế mạnh, tiềm năng của huyện để bà con đẩy mạnh phát triển các ngành hàng chủ lực; chưa tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo sát sao những vấn đề này để người dân nắm rõ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *