Khi phụ nữ không còn là phái yếu! Bài 2: Xứng danh “phụ nữ hai giỏi”

Gặp gỡ người đầu tàu của Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là có thành tích “khủng”, ấn tượng về bà trong tôi là một phụ nữ giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng nhưng tràn đầy nhiệt huyết, đằng sau vóc dáng khá nhỏ bé là sự nhanh nhẹn, quyết đoán khi bà kể về công việc đã gắn bó hơn 28 năm qua.

“Gắn bó với công tác xã hội từ mảng dân số đến mảng công tác phụ nữ tại địa phương, làm riết thấy yêu nghề. Lúc đầu đi vận động kế hoạch hóa gia đình, phải đi bộ chứ không thuận tiện như bây giờ, đi mới thấy chị em nghèo khổ, thiếu kiến thức mà còn bị chồng bạo hành, mình thì có chút chút kiến thức hơn chị em nên mình vận động, rồi tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chị em. Như một cái duyên, nên nhiều chị em nghe rồi làm theo, cùng nhau phát triển, vậy là tấn tới luôn”, bà Hạnh chia sẻ.

Đúng là cái duyên đã giúp bà gắn bó với công tác Chi hội Phụ nữ ấp ngần ấy thời gian. Giữa lúc khó khăn, nhà nhà chạy gạo từng bữa, ai cũng lo cái ăn, cái mặc, làm gì có thời gian đi “vác tù và hàng tổng”, thế mà bà Hạnh lại chọn cách “cho đi”, chân tình trong từng công việc, từng người mà mình giúp đỡ.

Đảm việc nước

Được kết nạp Đảng năm 1999, bà Hạnh luôn tâm niệm, đã vào hàng ngũ của Đảng thì phải hoạt động hết mình, nếu không thì đừng vội tham gia; khi đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thì phải làm thật tốt, không nửa vời.

Thời điểm năm 2009, Chà Là được xem là ấp nghèo nhất của xã Phú Thuận lúc bấy giờ khi có tỷ lệ hộ nghèo cao (40 hộ nghèo, 42 hộ cận nghèo). Bà Hạnh được địa phương phân công hỗ trợ 10 hộ nghèo, kết quả đã có 9 hộ thoát nghèo bền vững. Đây là con số ấn tượng khi nói về hành trình giúp đỡ các hộ thoát nghèo của Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp. “Giúp đỡ không chỉ là nói suông, mà phải đi vào thực tế, xem họ cần cái gì, thiếu cái gì. Nếu họ thiếu tư liệu sản xuất thì hỗ trợ tư liệu, thiếu vốn thì hỗ trợ về vốn, còn nếu họ cần nhà ở để an cư thì giúp họ cất Nhà 167”, bà Hạnh chia sẻ.

Với suy nghĩ giúp người là cho họ cần câu chứ không phải con cá, bà đã vận động, hỗ trợ họ làm ăn. Hộ nào thiếu vốn, bà đứng ra viết đơn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội bảo lãnh cho những hộ này vay vốn. 10 năm qua, bà Hạnh đã giúp không ít hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây cất 5 căn nhà (35 – 40 triệu đồng/căn) cho hộ nghèo.

Là người được bà Hạnh giúp đỡ vay vốn cất Nhà 167 và vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế, bà Hồ Thị Nhanh trần tình: “Cách đây mấy năm, tôi bị bệnh tai biến nặng, tưởng không qua nổi. Chồng tôi cũng bệnh, lại phải nuôi thêm người con bị nhiễm chất độc da ca. Hoàn cảnh nghèo khổ đến tận cùng, không tìm được hướng đi trong cuộc sống. Rồi thím Hạnh đến động viên con trai út tôi đi làm ở Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), rồi đứng ra tín chấp với ngân hàng cho tôi được vay tiền hộ nghèo để làm lại 5 công vuông từ lâu bỏ dỡ. Từ đó tôi có thu nhập, con tôi đi làm xa hàng tháng cũng gửi thêm vài triệu  đồng để phụ trả lãi ngân hàng. Gia đình tôi đang phấn đấu để thoát nghèo trong năm nay”.

Hàng tháng, các chị em được vay vốn đều có ý thức đóng lãi ngân hàng đúng định kỳ. Bởi theo chị em, bà Hạnh đã giúp đỡ cho họ quá nhiều rồi, không nên để cho bà Hạnh phải “khó xử” với ngân hàng.

Sự “cho đi” chân tình của bà Hạnh không dừng lại ở đó khi bà mạnh dạn cho 5 hộ dân không nơi nương tựa mượn đất cất nhà sinh sống. Lẽ thường ai cũng sợ tình cảnh “bén rễ xanh chồi”, nhưng với bà “cho đi thì còn mãi”.

Trong các hộ được giúp đỡ, hộ ông Nguyễn Văn Nhanh là nghèo nhất và “quậy” nhất lúc bấy giờ. Năm 1994, bà Hạnh cho hộ ông Nhanh về cất nhà trên phần đất gia đình để sinh sống, làm ăn. Tật xấu của ông Nhanh là hay uống rượu và chửi bới xóm làng, bạo hành vợ con. Với sự hỗ trợ nhiệt tình bằng cách cầm tay chỉ việc, lý giải thiệt hơn, người Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đã vực dậy được tinh thần, thay đổi tích cực tính cách, ý thức tu chí làm ăn của người đàn ông “ương ngạnh”. Bà còn vận động cất Nhà 167 hỗ trợ gia đình ông Nhanh. Nhiều năm nay, dù không thân thích họ hàng, nhưng ông Nhanh rất nể nang, gọi vợ chồng bà Hạnh là chú thím Út. Đó là cả một quá trình đồng hành của bà Hạnh. Còn với bà Nguyễn Thị Hóa, vợ ông Nhanh: “Thím Út Hạnh như người mẹ thứ hai, chính thím đã cứu vớt cuộc đời của vợ chồng tôi, giúp cho tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Ân tình này không biết đến khi nào chúng tôi mới đền đáp được”.

Đặc biệt, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp “lão thành” còn có ý tưởng và việc làm mạnh mẽ là đứng ra lập câu lạc bộ “Xe ôm nữ”, để phụ nữ ở ấp có việc làm thêm lúc nông nhàn.

Ấp Chà Là nằm đối diện với Đầm Thị Tường, nên có nhiều người về đây để nuôi sò huyết. Họ đi lại chủ yếu bằng “xe ôm”, trong ấp cũng có nhiều chị em hành nghề này, nhưng qua thời gian tìm hiểu, bà Hạnh không yên tâm, vì đa phần khách của các chị là nam giới. Thế là bà đề xuất thành lập câu lạc bộ “Xe ôm nữ”, để các chị em giúp đỡ lẫn nhau khi hành nghề, tuyệt đối không nhận khách vào ban đêm. Bà Hạnh cho biết: “Bây giờ khó lường ai tốt ai xấu, nên cứ thận trọng. Tôi cũng cố gắng “bắt mối” cho chị em, qua đây cũng nhằm nắm thông tin về hành trình, đối tượng khách đi xe, để kịp thời hỗ trợ. Nếu là khách nam thì cần hai xe chạy song song để tiện bề giúp đỡ khi có tình huống xấu xảy ra”. Nghề chạy xe khách đã giúp cho nhiều chị em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà không sử dụng đến tiền tiết kiệm của gia đình.

Giỏi việc nhà

Thời điểm bà Hạnh tham gia vào Hội cũng là lúc bệnh tình cha mẹ chồng trở nặng, cha chồng không đi lại được, mẹ chồng suy tim, mắt mờ… Vì là dâu Út nên để làm tốt công tác Hội, bà phải hoàn thành tốt việc gia đình, việc chăm sóc cha mẹ trước. Bà Hạnh kể: “Sáng tôi thường dậy sớm nấu đồ ăn sáng, đút cha và mẹ ăn. Hôm nào đi công tác hay đi họp thì phải thức sớm hơn nữa, lo cho cha mẹ xong rồi giặt giũ sạch sẽ, nhờ cháu gái qua phụ trông chừng mới đi được. Đi họp thì tới giờ trưa mà họp chưa xong thì cũng phải xin về trước”. Nhưng suốt quá trình ấy, mọi công tác bà đảm đương đều hoàn thành. Thật không ngoa khi ví bà Hạnh như cánh hoa đồng nội luôn tỏa hương thơm ngát, biết làm ấm êm ngôi nhà bé nhỏ, vừa phụng dưỡng tốt cha mẹ già, vừa chăm 4 đứa con đang tuổi đến trường để chồng yên tâm công tác.

Dù có năng lực, nhiều lần được đề bạt giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, rồi Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, nhưng bà Hạnh đều từ chối, chấp nhận lui về phía sau làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác và hơn hết, bà muốn làm tròn bổn phận dâu con báo hiếu cha mẹ già và làm tốt trách nhiệm của người mẹ với các con.

Đã ngần ấy năm trôi qua, các con của bà Hạnh đã yên bề gia thất, 2 đấng sinh thành đã về với tổ tiên, nhưng cái tình của bà dành cho cha mẹ già luôn được bà con trên địa bàn ấp ngợi khen và là tấm gương về lòng hiếu thảo.

Giờ đây, ở tuổi 60, bà Hạnh vẫn miệt mài với công tác Hội, dành tình yêu thương trọn vẹn cho những người kém may mắn trong cuộc sống. Thành tích của bà là những con số bề nổi, nhưng quá trình tạo nên những con số ấy là vô vàn những gian nan, trăn trở. Hành trình 10 năm không chỉ gói gọn trong những từ ngữ nằm trên giấy, không diễn tả hết bằng lời. Được ghi nhận công lao, bà Nguyễn Hồng Hạnh vinh dự 2 lần được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ mời họp mặt, báo công dâng Bác tại Thủ đô Hà Nội, và mới đây bà là một trong 5 chi hội trưởng tiêu biểu của tỉnh được cử tham dự Họp mặt chi hội trưởng phụ nữ tiêu biểu toàn quốc, tổ chức tại tỉnh Bến Tre.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *