Khiếu nại lần 2 của gia đình bà Lê Thị Khiêm: Chính quyền sở tại có “nhầm lẫn”?

Khiếu nại không chỉ 1 vấn đề

Thanh tra TP. Cà Mau công bố Kết luận số 90/KL-UBND ngày 2/4/2019, của Chủ tịch UBND TP. Cà Mau về kết luận thanh tra nội dung đơn khiếu nại của bà Lê Thị Khiêm và gia đình. Sau khi tiếp nhận kết luận, gia đình bà Khiêm thống nhất ở chỗ đất của gia đình là 53,44m theo tọa độ vị trí được TP. Cà Mau cấp sổ năm 2009, cũng như việc ngành chức năng sẽ thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đã cấp sai trước đó. Tuy nhiên, tại kết luận này, nhận thấy có nhiều vấn đề rất bức xúc mà bà và gia đình đã từng thể hiện trong các khiếu nại, phản ánh và được ghi nhận tại các buổi làm việc với các đoàn kiểm tra, thanh tra trước đây, nhưng đến nay chưa được làm rõ.

Cụ thể, vì sao đất chưa bồi thường mà Công ty Licogi đã tự ý san lấp, xây dựng, làm mất hiện trạng ranh mốc được UBND tỉnh và UBND TP. Cà Mau cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình. Khi công bố thì chừa lại cho dân 60m đầu và được hưởng 2 mặt tiền đường, nhưng vì trụ sở Cụm công nghiệp Khí – Điện – Đạm cất phạm vào lộ giới hơn 10m, nên năm 2005 có phương án điều chỉnh tim đường Ngô Quyền lệch về phía đất của gia đình bà Lê Thị Khiêm ngoài 6m bờ kênh khi UBND cấp giấy trừ mà không bồi thường, nay còn bắt gia đình phải nộp tiền mua 6m đất phía trước, cho rằng của Nhà nước, là hoàn toàn không đúng, cần được làm rõ.

Khi Công ty Licogi triển khai dự án thì lãnh đạo UBND TP. Cà Mau công bố chừa lại cho dân 60m cặp ranh đất lộ cát của Công ty Phát triển nhà, nay tại sao bị bóp ép lại còn 50m?

Đất ông Nguyễn Quang mua từ đầu đường vào Khu Licogi tới cặp ranh đất của bà Khiêm gần 130m, mua bán lòng vòng không rõ ràng nên 5 đoàn đo đạc thanh tra làm việc gần 10 năm mà không ra được kết luận rõ ràng.

Nay kết luận nguồn gốc đất bà Khiêm rõ ràng là 53,44m nhưng lại kéo sâu vào 4m cách vị trí giáp ranh Khu Licogi 50m như bản vẽ kết luận là hoàn toàn sai sự thật, vì khu Licogi được tỉnh trừ lại cho dân 60m đất mặt tiền và UBND TP. Cà Mau cấp sổ đỏ và hiện trạng đất gia đình bà sử dụng đến nay cách ranh khu Licogi là 54m mới đúng sự thật mà hiện trạng cả tuyến còn hiện hữu rõ ràng. Việc bản đồ kết luận này do ông Bùi Mai Khanh và ông Lâm Thanh Hùng căn cứ theo bản đồ hiện trạng đo đạc sai sự thật của ông Đỗ Quang Hưng ký ngày 17/9/2010, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của gia đình bà Khiêm, cần được làm rõ.

Gia đình bà cần khôi phục lại nguồn gốc 2 thửa đất mua của ông Ngô Thuận và của ông Nguyễn Văn Khang đúng thực tế khi mua, được Nhà nước cấp Giấy CNQSDĐ cũng như diện tích dư ngoài thực địa.

Trên trích đo hiện trạng mới ngày 8/3/2019 và ngày 7/8/2018 của Trung tâm Kỹ thuật – Công nghệ – Quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường lại rập khuôn theo bản đồ cắm mốc đường Ngô Quyền, do ông Đỗ Quang Hưng ký ngày 17/9/2010 mà ông Hưng cho rằng không có giá trị pháp lý, mà bản đồ trên phục vụ riêng cho công tác bồi thường lộ cát cho Công ty Phát triển nhà, nhưng vì bản đồ này làm sai lệch vị trí UBND TP. Cà Mau cấp sổ đỏ trước đó.

Việc chính quyền TP. Cà Mau kéo dài kết luận gần 10 năm nay, giờ giá chuyển mục đích mảnh đất trên tăng hàng chục lần, thiệt hại nhiều tỷ đồng cũng như quyền lợi kinh doanh sản xuất trên mảnh đất của gia đình bà 10 năm nay, cần được các cấp thẩm quyền xem xét bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định pháp luật.

Từ những kiến nghị trên, gia đình bà Khiêm rất mong Chủ tịch UBND TP. Cà Mau xem xét xử lý dứt điểm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Nếu xét thấy vượt thẩm quyền giải quyết thì sớm có hướng dẫn bằng văn bản để bà chuyển nội dung kiến nghị trên đây lên cấp trên xử lý, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật. Đồng thời mong cấp thẩm quyền sớm thi hành xử lý các sai phạm đã được chỉ ra tại kết luận này.

Kết quả thanh tra cũng xác định, ông Nguyễn Quang xây dựng nhà trọ Thanh Tuyền lấn chiếm phần kênh giáp đường Ngô Quyền 3,4m, phía sau giáp Công ty Licogi 4,36m, là vi phạm Luật Đất đai, cần phải được xử lý theo quy định pháp luật.

Nhận định chỉ là 1 nội dung dùng làm cơ sở không thụ lý đơn

Điều đáng nói là, sau khi tiếp nhận đơn của gia đình bà Khiêm, phía UBND TP. Cà Mau đã có một nhận định khá bất ngờ: Không thụ lý đơn vì vụ việc đang được tòa thụ lý. Dù trên thực tế, nội dung đơn không đơn thuần chỉ là một vụ tranh chấp dân sự mà còn thể hiện nhiều nội dung khác (trích dẫn ở phần trên) xoay quanh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tại thông báo mới nhất của UBND TP. Cà Mau, do ông Triệu Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND thành phố ký, thể hiện ngày 29/5/2019, UBND TP. Cà Mau đã nhận được đơn khiếu nại của ông Giang Văn Sang, khiếu nại về việc: “… Ông Nguyễn Quang và ông Phạm Văn Thương, ông Nguyễn Văn Chiêm lấn chiếm, phá hủy ranh cột mốc, tự ý san lấp trái phép qua phần đất hợp pháp của gia đình, đất giải tỏa chưa giao quyết định thu hồi đất kéo dài 15 năm mà Công ty Licogi ngang nhiên thi công, mua bán, làm sổ đỏ…” (Đơn khiếu nại đề ngày 16/5/2019).

Sau khi xem xét nội dung đơn khiếu nại, căn cứ Điều 11, Luật Khiếu nại năm 2011, đơn khiếu nại không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết vì lý do: Ngày 4/4/2019, Tòa án nhân dân TP. Cà Mau đã thụ lý và giải quyết vụ án ông Nguyễn Quang là nguyên đơn trong vụ tranh chấp đất đai với ông Giang Văn Sang, phần đất tại thửa đất số 302, tờ bản đồ số 2, diện tích 927,5 lm2, tọa lạc tại Khóm 6, Phường 1, theo giấy CNQSDĐ số AO 962599, do UBND TP. Cà Mau cấp ngày 22/5/2009.

Liên quan vấn đề này, một luật sư cho rằng cách xem xét, nhận định và thông báo như vậy là không phù hợp. Vụ việc tranh chấp, tòa án đang thụ lý thì chính quyền không can thiệp để xử lý là phù hợp. Tuy nhiên, theo nội dung đơn, việc khiếu nại có nhiều vấn đề. Những vấn đề thuộc thẩm quyền phải xử lý cho công dân đảm bảo quy định của Luật Khiếu nại, không thể trả lời một cách không thể hiện được trách nhiệm và không rõ ràng như vậy.

Theo quy định tại Điều 28, Luật Khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Tại Điều 33, Luật Khiếu nại quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại, quy định tại Điều 28 của Luật này, mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Theo quy định của Luật Khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là người đứng đứng đầu của cơ quan, tổ chức, trong vụ việc này là Chủ tịch UBND TP. Cà Mau, thẩm quyền giải quyết lần 2 là Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

Dù quy định là thế, song trên thực tế có điều bất hợp lý là sau khi tiếp nhận kết luận thanh tra từ UBND TP. Cà Mau, phía gia đình bà Khiêm cũng đã có đơn khiếu nại lần 2 Khiêm gửi Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng đến Ban Tiếp dân tỉnh lại ban hành công văn cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Cà Mau, nên hướng dẫn gia đình về nộp đơn. Việc tiếp nhận khiếu nại lần 2 và hướng dẫn công dân như thế có đảm bảo đúng Luật Khiếu nại? Cũng chính vì có sự hướng dẫn như thế nên mới có sự vụ UBND TP. Cà Mau không thụ lý đơn như những gì đã diễn ra.

Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân, vụ việc của gia đình bà Lê Thị Khiêm đã kéo dài từ nhiều năm qua. Việc thực thi Luật Khiếu nại đối với trường hợp này có nhiều điều không hợp tình hợp lý, không đảm bảo các yếu tố quy định trong Luật. Để tạo dựng lòng tin, tránh những bức xúc trong dân, thiết nghĩ Chủ tịch UBND tỉnh cần có sự can thiệp để đảm bảo quyền là lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *