Khiếu nại, tố cáo nhìn từ góc độ “quyền và nghĩa vụ của công dân”

Về quyền khiếu nại – đây là quyền của công dân, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mục đích của khiếu nại nhằm đảm bảo cho các quy định pháp luật liên quan tới các quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, công dân được thực hiện nghiêm chỉnh; giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức nhà nước có hiệu quả, các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật được sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật có thể xảy ra từ phía những người thực thi công vụ… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Đối thoại trực tiếp là một trong các hình thức thể hiện quyền của công dân. Tại đây người dân được quyền trình bày những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của công dân đến với các cơ quan công quyền.

Theo Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011, khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Với quan điểm xây dựng trình tự khiếu nại đơn giản, công khai, dân chủ và có hiệu quả; phát huy quyền dân chủ của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện có kết quả quyền khiếu nại; góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội; qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Khiếu nại, tố cáo trước đây, Luật Khiếu nại năm 2011 đã có những quy định thay đổi mạnh mẽ về trình tự khiếu nại theo hướng công khai, dân chủ, đơn giản và nhanh chóng hơn, với cơ chế khiếu nại linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho người khiếu nại.

Theo cơ chế này, khi vụ việc khiếu nại phát sinh, công dân, cơ quan, tổ chức có quyền chọn lựa cách giải quyết mà mình cho là hiệu quả, cụ thể là khiếu nại trực tiếp đến người ban hành quyết định, hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, không nhất thiết phải khiếu nại tới người ban hành quyết định, hành vi hành chính như trước đây. Đồng thời cho phép công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ kiện hành chính ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình khiếu nại… Với tinh thần đó, Luật Khiếu nại đã quy định rõ trình tự khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Về quyền tố cáo, đây là quyền của công dân được thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kì cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Công dân không những có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn có quyền tố cáo hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào khác mà mình biết (khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011).

Để đảm bảo cho tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả quyền tố cáo, Luật Tố cáo quy định rõ các quyền của người tố cáo: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập; được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Việc quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo thể hiện được tính công bằng của pháp luật. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. Vì vậy, khi làm đơn tố cáo, người tố cáo phải cân nhắc, suy nghĩ cẩn trọng, có chứng cứ xác đáng và đặc biệt không thể vì động cơ cá nhân trả thù người có mâu thuẫn với mình hay vì một sự cạnh tranh, đố kỵ… mà làm đơn tố cáo, vu khống làm mất uy tín, danh dự, thậm chí gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những hình thức để đảm bảo cho quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Căn cứ vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để xác định xem có các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Nếu thực chất có các hành vi vi phạm thì ra quyết định xử lý đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cá nhân công dân đã có những hành vi vi phạm pháp luật đó. Đồng thời đề ra các biện pháp cần thiết nhằm sửa chữa, bồi thường những thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật đó gây ra. Bảo vệ có hiệu quả lợi ích của tập thể, công dân, qua đó xóa bỏ những mâu thuẫn, những bất đồng trong mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và giữa nhân dân với Nhà nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *