Khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

Môi trường trong xây dựng NTM có vẻ là tiêu chí dễ đạt, song với những nguyên nhân khách quan và điều kiện đặc thù của vùng đất Cà Mau, đây lại là tiêu chí khó và dễ hụt chuẩn. Qua thực tiễn triển khai xây dựng NTM, hầu hết các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh đều đánh giá môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt nhất. Bởi để đạt được tiêu chí này, các địa phương cần hoàn thành 5 chỉ tiêu: Có từ 95% số hộ trở lên được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 60% số hộ được sử dụng nước sạch, đáp ứng quy chuẩn quốc gia; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh – sạch – đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; nghĩa trang có quy hoạch và quản lý theo quy hoạch, có ít nhất một nghĩa trang tập trung; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý, trong đó thôn (xóm), xã phải có tổ dịch vụ thu gom rác thải và xử lý tại bãi rác tập trung; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, đạt trên 85%…

Đối với 29 xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh, các địa phương vẫn tiếp tục tăng cường mọi biện pháp để giữ vững tiêu chí này. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc, khảo sát thí điểm một số xã điển hình đạt chuẩn NTM, thực tế cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường còn thấp hơn nhiều so với số liệu báo cáo. Bởi, về chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt mức quy định của vùng, về cơ bản tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, con số này đạt yêu cầu của tiêu chí, tuy nhiên về chất lượng nước sạch cần có kiểm chứng của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, cũng chưa kiểm chứng lượng nước sạch hợp vệ sinh được cung cấp cho các hộ gia đình khu vực nông thôn đã đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Phát động phong trào thu gom rác, bảo vệ môi trường tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh: “Toàn tỉnh có số dân sống ở vùng nông thôn là trên 225.000 hộ, trong đó, hơn 204.000 hộ (90,56%) sử dụng nước hợp vệ sinh. Thời gian qua, Trung tâm cũng đã xây dựng một số trạm bơm và đã đưa nước sạch đến khoảng 44% hộ dân nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con. Đặc biệt, để đạt chỉ tiêu nước sạch trong tiêu chí môi trường thì tỉnh cần nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư 22 công trình cấp thoát nước tập trung”.

Một số chỉ tiêu khác trong tiêu chí môi trường cũng gặp khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện: Cơ sở sản xuất – kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường, tại các địa phương, nhiều cơ sở vẫn có dấu hiệu sai phạm trong quá trình xử lý chất thải, đặc biệt là các cơ sở nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình. Về chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, do đây là chỉ tiêu không định tính, chủ yếu phát động và thực hiện trên tinh thần tự nguyện nên chất lượng không đồng đều…

Theo ghi nhận tại một số địa phương, việc xây dựng chuồng trại, cầu vệ sinh trên ao, trên sông cũng là vấn đề lo ngại nhất hiện nay. Ông Lê Minh Thùy, Chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Với điều kiện đặc thù vùng sông nước, xưa nay bà con có thói quen xây dựng chuồng, trại, cầu vệ sinh ven sông, đây cũng là trở ngại lớn của xã trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường, nhưng với quyết tâm, xã đã ra sức vận động, thuyết phục nhân dân, thực hiện đạt tiêu chí này và cũng quyết tâm duy trì trong thời gian tới”. Ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), xã Khánh Hòa (huyện U Minh), nói chung là các vùng ngọt hóa, có truyền thống nuôi cá trong ao, việc vận động bà con bỏ thói quen trên là cả vấn đề khó khăn và khả năng tái diễn cao.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định các xã NTM diễn ra vào tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xã NTM, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh: Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân thì rất cần sự ủng hộ, tự nguyện của nhân dân trong xây dựng NTM, thì các tiêu chí nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng sẽ từng bước đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan cần vào cuộc, tham mưu, đề xuất bổ sung kinh phí, điều chỉnh các chỉ tiêu sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, điển hình như chỉ tiêu về nước sạch, xây dựng nghĩa trang… để đạt các tiêu chí đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra”.

Môi trường nông thôn từ nhiều năm nay chịu áp lực của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề… để có thể giải quyết triệt để luôn là thách thức lớn. Do vậy, cần có sự nỗ lực của chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, sự thống nhất về quan điểm, phương thức thực hiện giữa các sở, ngành liên quan và địa phương. Bên cạnh đó là nâng cao ý thức trách nhiệm và huy động sự tham gia tích cực của người dân khu vực nông thôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *