Khó khăn trong xây dựng đời sống văn hóa

Thực hiện tuyên truyền trực quan về xây dựng văn hóa ở các xã còn khó khăn. (Ảnh chụp tại xã Tạ An Khương Đông).

Phó Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương Đông, ông Phạm Trung Kiên cho biết: “Xã chưa có trung tâm văn hóa – thể thao; pano, áp phích, cụm loa truyền thanh còn hạn chế, nên khó khăn trong tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, lộ giao thông nông thôn sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp; trụ sở văn hóa ấp cũ không đạt chuẩn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao 12%; một số bộ phận hộ dân chưa ý thức cao trong giữ vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan nông thôn”.

Lãnh đạo xã Tân Đức thông tin, đầu tư cho xây dựng lộ giao thông nông thôn trên địa bàn đã qua còn hạn chế, mỗi năm chỉ xây dựng được khoảng 3 – 5km. Về trụ sở văn hóa và khu thể thao của ấp, từ khi phát động phong trào đến nay, phần lớn là vận động trong dân, ấp nào vận động được nhiều thì trụ sở có phần khang trang, ấp nào vận động được ít thì gặp khó về nơi sinh hoạt. Hiện nay trên địa bàn xã có 7 tuyến chưa có điện.

Trụ sở văn hóa không đủ rộng, có địa phương phải thuê chỗ để tổ chức lễ hội.

Trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, một số đoàn thể cũng gặp khó. Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Trần Thanh Hòa chia sẻ: “Hội hiện có 5.550 hội viên. Đa số hội viên lớn tuổi, có kinh nghiệm, nhiệt tình, nhưng ở cơ sở còn một số hội viên trình độ học vấn hạn chế nên việc hiểu, vận dụng và tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa đúng, chưa sát. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ, hội viên làm công tác tuyên truyền vận động còn khó khăn”.

Trong bình xét gia đình văn hóa (GĐVH) hàng năm, có một số hộ, tuy đã rời khỏi địa phương để đi làm ăn xa, nhưng có nơi vẫn xét đạt GĐVH. Bí thư Chi bộ ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, ông Hồ Hoàng Tám phản ánh: “Có những hộ đã rời khỏi địa phương 5, 10 năm, nhưng hộ khẩu đăng ký thường trú vẫn còn. Có trường hợp, để đạt tỷ lệ hộ GĐVH nhằm được công nhận ấp văn hóa, nên vẫn xét hộ vắng mặt tại địa phương là hộ GĐVH”. Theo ông Tám thì chỉ nên xét thực chất những hộ trong năm có mặt tại địa phương. Những hộ đã rời khỏi, cần lập danh sách riêng và không đưa vào danh sách tổng số hộ để tính phần trăm hộ GĐVH của ấp, nhằm tránh tình trạng chạy theo thành tích.

Về nguồn vốn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đức, ông Lê Quốc Đoàn cho rằng: “Chỉ huy động sức dân thì sẽ không đủ nguồn lực để xây dựng lộ giao thông, trụ sở văn hóa, kéo điện; vì thế, cần phải có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước”.

Riêng xã Tạ An Khương Đông, năm 2018 phấn đấu đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Trung Kiên kiến nghị cần đầu tư xây dựng mới trung tâm văn hóa – thể thao xã; hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng mới các trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp; tăng cường đầu tư pano, áp phích, cụm loa truyền thanh để tuyên truyền; quan tâm đầu tư xây dựng lộ giao thông trên địa bàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *