Khơi dậy tinh thần thi đua trong nông dân

Ông Lư Thanh Duyên (ấp Kênh 9, xã Tân Bằng) thu hoạch tôm càng xanh trái vụ.

Việc phát triển mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích kết hợp với việc phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân huyện phát động, đã góp phần đưa nông nghiệp Thới Bình phát triển bền vững. Qua đó tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích người dân làm giàu, cùng chính quyền các cấp xây dựng nông thôn mới có hiệu quả.

Để nâng cao giá trị gia tăng trên cùng đơn vị diện tích đất, Đảng bộ huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích, phát triển mô hình phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Nhiều mô hình bền vững, khả thi, được nông dân tín nhiệm trong nhiều năm qua. Hiện nay, Thới Bình đang bước vào mùa thu hoạch tôm càng xanh trái vụ trên ruộng lúa. Đây cũng là vụ mùa đầu tiên nông dân Thới Bình thành công trên đàn tôm càng xanh sớm mà không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh.

Ông Lư Thanh Điền (ấp Tấn Công, xã Tân Bằng) cho biết: “Sau nhiều năm nuôi một vụ tôm càng xanh mùa nước ngọt, trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, gia đình cũng thu hoạch gần 500kg tôm, tương đương với hơn 60 triệu đồng. Nguồn thu nhập lý tưởng mà nhiều năm qua không có được trong thời điểm này”.

Chỉ có 2 lao động chính trong gia đình, hộ ông Lư Thanh Duyên (ấp Kênh 9, xã Tân Bằng) cũng vừa thu hoạch được hơn 400kg tôm càng xanh. Ông Duyên là một trong hơn 1.000 hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Duyên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do ấp, xã phát động, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xã.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình, ông Phù Công Triều cho biết: Qua phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện cho thấy, hầu hết các mô hình của nông dân có hiệu quả là nhờ biết phát huy lợi thế, tiềm năng ở địa phương, nắm các kiến thức khoa học – kỹ thuật và được ngành chức năng huyện tạo mọi điều kiện về vốn, giống để phát triển sản xuất. Phong trào đã có bước gắn kết giữa nông dân với nhà nước, nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nhà khoa học và nông dân với nông dân, tạo đầu ra cho các sản phẩm từ nuôi trồng đến xuất bán. Những hộ sản xuất kinh doanh giỏi còn tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động ở địa phương. Tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo được phát huy trong nội bộ nông dân… Đã có 300 lượt hộ nghèo được giúp đỡ, làm cho tình làng, nghĩa xóm ngày thêm thắt chặt.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế huyện vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân 8,36%/năm, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến cuối năm 2018 đạt 40,03 triệu đồng/người/năm; trong đó, có đóng góp quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đóng vai trò quan trọng, là lực lượng đi đầu trong giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Để các mô hình sản xuất nâng cao hiệu quả, Đảng bộ huyện cũng đã ban hành nhiều cơ chế để người dân và doanh nghiệp phát huy các loại hình sản xuất, kinh doanh, nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Điệp (Ấp 5, xã Trí Lực) phấn khởi: Được hướng dẫn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, lúa giống ST20 sản xuất thí điểm trên phần đất gia đình, với diện tích gần 1,5ha. Năm qua, gia đình thu hoạch hơn 500 giạ lúa, được hơn 60 triệu đồng. Cái được trong sản xuất lúa chất lượng cao này là không tốn chi phí phun xịt thuốc trừ sâu, hay thuốc dưỡng hạt mà lúa vẫn phát triển tốt, chắc hạt và được thương lái mua giá cao.

Ông Huỳnh Văn Hôn, Trưởng ban Nhân dân Ấp 5, xã Trí Lực, cho biết: Với kinh nghiệm cấy lúa trên đất nuôi tôm trong nhiều năm qua của người dân địa phương, kết hợp với việc đầu tư, chuyển giao khoa học – kỹ thuật của ngành chức năng tỉnh, huyện; vụ mùa này có hơn 80% hộ dân, tương đương với hơn 180 hộ thực hiện mô hình sản xuất giống lúa ngắn ngày chất lượng cao trên đất nuôi tôm. Hiện nay, sinh trưởng, phát triển của cây lúa vượt ngoài mong đợi của người dân nơi đây.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Năm 2018, Thới Bình cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Với hơn 22.000ha lúa cấy trên đất nuôi tôm, hơn 16.000ha tôm càng xanh trên ruộng lúa. Đặc biệt là các mô hình: Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, cánh đồng lớn lúa – tôm, chuyển đổi lúa giống chất lượng cao… tập trung ở các xã: Tân Lộc Bắc, Tân Bằng, Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch và Biển Bạch Đông, cho năng suất, sản lượng cao. Trong đó, diện tích lúa giống ST20 cấy trên đất nuôi tôm xã Trí Lực cho hiệu quả kinh tế rất cao, trừ chi phí, người dân thu lãi bình quân hơn 40 triệu đồng/ha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *