Khởi động Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Vào mùa dâu chín mỗi vườn dâu đón từ 50-100 khách du lịch/ngày

Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, cho biết: Đến nay huyện xác định được 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng, gồm: Cây bồn bồn xã Khánh An; nghề đan đát truyền thống và trái dâu Cái Tàu ở xã Nguyễn Phích; rau sạch thị trấn U Minh; cá lóc đồng xã Khánh Lâm; cá khô biển xã Khánh Hội; nấm rơm xã Khánh Hòa; chả cá phi xã Khánh Tiến; chuối xiêm xã Khánh Thuận. Để các sản phẩm ngày càng phát triển, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân được biết và thực hiện đạt hiệu quả. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoàn thành thủ tục trình UBND huyện ra quyết định công nhận sản phẩm trong năm 2019.

Bà Trần Thị Bích Thủy (Ấp 15, xã Khánh Thuận) là người đầu tiên trong huyện thành lập cơ sở sấy chuối khô, sử dụng máy sấy, hoạt động được 3 tháng, 1 mẻ chuối sấy khoảng 60 phút, được từ 70 – 80kg chuối khô, theo tính toán, trung bình 4kg chuối tươi sẽ cho ra 1kg chuối khô. Mỗi tháng bà Thủy bán ra thị trường từ 400 – 500kg chuối sấy khô, giá 50 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, nâng giá trị tăng gấp 2 lần so với mặt hàng chuối tươi được bán ra tại chỗ. Thời gian tới, nếu đầu ra sản phẩm trên thị trường ổn định, sẽ mở ra những triển vọng từ thương hiệu đặc sản chuối khô ở U Minh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

OCOP là chương trình mới nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu của tỉnh, thúc đẩy nhóm sản phẩm cấp huyện, xã do các thành phần kinh tế thực hiện. Để chương trình được thực hiện một cách hiệu quả, địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền. Trong đó, tập trung tuyên truyền, thúc đẩy bà con nông dân phát triển các mô hình, các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo chuỗi giá trị. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất, tiến đến sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn.

Chị Sơn Thị Sự, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cá khô thương phẩm Hương Quê (xã Khánh Hội) thông tin: “Bước đầu cho thấy tổ hợp tác đang phát triển tích cực, do cá khô của tổ hợp tác được làm từ nguồn cá tươi, lại không ướp các chất bảo quản nên chất lượng khô rất ngon, đảm bảo sức khỏe, từ đó được nhiều người tin dùng. Chị em trong tổ cũng hỗ trợ qua lại rất tốt, từ khâu chế biến cho đến khâu tiêu thụ. Hiện tại, trung bình mỗi ngày một chị cũng có thêm thu nhập từ 150 – 200 ngàn đồng. Bước đầu mà được như vậy chị em rất phấn khởi, tôi tin rằng thời gian tới sẽ phát triển hơn”.

Sản phẩm cá khô của Tổ hợp tác sản xuất cá khô thương phẩm Hương Quê (xã Khánh Hội).

Chị Phan Hồng Thơ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Hội, cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho các chị, ngoài vốn của các chương trình mục tiêu, xã cũng sẽ giúp các chị tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư thêm tủ đông, máy hút chân không để chủ động sản xuất và sản phẩm làm ra bảo quản được lâu và đẹp mắt hơn.

Ông Võ Văn Liêu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích cho biết, trên địa bàn xã hiện còn 16 hộ trồng dâu Cái Tàu, với diện tích 15ha. Hàng năm, vào mùa dâu chín, mỗi vườn dâu đón từ 50 – 100 khách du lịch/ngày, có thu nhập từ các dịch vụ như vé vào cổng, phục vụ ăn uống tại chỗ và bán dâu cho khách mang về từ 40 – 80 triệu đồng một vụ.

Về nghề đan đát truyền thống, hiện có 60 hộ còn duy trì , tuy nhiên, thời gian gần đây, do bà con phá vườn để nuôi tôm nên diện tích tre, trúc bị thu hẹp, nguyên liệu khan hiếm. Những hộ còn duy trì nghề này phải đến các địa phương khác để mua nguyên liệu, nên thành phẩm bán ra lãi không nhiều.

“Các ngành trong huyện chủ động kết hợp với UBND xã Nguyễn Phích vận động người dân khu vực lâm phần tận dụng đất trống trồng tre, trúc để cung cấp nguyên liệu cho nghề đan đát và sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch: Thúng, rổ, lọp… đồng thời liên kết với các điểm du lịch ở địa phương khác để ký kết cung cấp sản phẩm đan đát, tìm đầu ra cho người dân”, ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *