Khởi động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19

* Xúc tiến đầu tư là một hoạt động kinh tế – xã hội nhằm mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Cà Mau, mà cụ thể là địa điểm, dự án… để doanh nghiệp tiếp cận đầu tư. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này, ông cho biết thời gian qua Cà Mau đã thu hút được những công trình dự án quan trọng nào để phát triển kinh tế địa phương?

Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc iPEC: Hoạt động xúc tiến đầu tư không chỉ là thu hút, mời gọi các DN mà qua đó còn tăng tính minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kết nối hợp tác giữa các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài. Khoảng hơn 1 năm từ khi thành lập đến nay, iPEC đã hỗ trợ, tư vấn không thu phí cho hơn 800 hồ sơ, thủ tục cho DN; theo dõi, hỗ trợ đối với 38 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã trực tiếp hỗ trợ hoàn thiện 35 hồ sơ đề xuất dự án cho các DN. Đến nay, đã có 10 DN được cấp chủ trương đầu tư, có 15 dự án đang thực hiện hồ sơ đề xuất xin chủ trương đầu tư. Tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tư vấn, hỗ trợ hàng chục nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư, khảo sát vị trí để đề xuất dự án đầu tư.

Một số dự án trọng điểm mà tỉnh đã tăng cường thu hút trong thời gian qua: Dự án đầu tư nhà máy sản xuất thủy sản công nghệ cao với quy mô trên 16ha, tổng vốn đầu tư trên 20 triệu USD, tổng công suất trên 5.000 tấn/năm; Khu du lịch Mũi Cà Mau, quy mô trên 159ha, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Về năng lượng tái tạo, đã có 29 dự án điện gió được đề xuất với tổng công suất dự kiến 6.050MW, tổng nguồn vốn dự kiến 259.030 tỷ đồng, tại khu vực vùng bãi bồi ven biển từ đông sang tây (điện gió Cà Mau, Tân Thuận, Tân Ân, Khai Long… của các công ty: Vietracimex, Kosy, Bgrimm, Hưng Bắc, Sài Gòn – Hà Nội…). Hiện có 3 dự án điện mặt trời được đề xuất, tổng quy mô các dự án là 1.450MW, với tổng nguồn vốn dự kiến 1.000 tỷ đồng; có 2 dự án điện sinh khối được đề xuất với tổng quy mô dự kiến 48MW, kinh phí đầu tư 2.329 tỷ đồng; có 2 dự án điện khí được đề xuất, tổng quy mô 4.500MW với kinh phí đầu tư dự kiến 65.465 tỷ đồng… Sau khi các dự án được triển khai và đi vào hoạt động, sẽ góp phần rất lớn cho kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, iPEC hiện đang cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi các dự án đầu tư về phát triển du lịch để khai thác tiềm năng lợi thế về du lịch của tỉnh Cà Mau: Dự án kết nối mở tuyến đường biển Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc; kết nối đường bộ R10 kết nối Cà Mau – Kiên Giang – Campuchia – Thái Lan, City Tour ở TP. Cà Mau, Du lịch sinh thái U Minh Hạ, mũi Cà Mau, Đầm Thị Tường, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm… để từng bước phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của tỉnh.

Với sự chủ động trong định hướng thu hút đầu tư, tin tưởng rằng trong thời gian tới, Cà Mau sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của tỉnh.

Ông Quách Văn Ấn (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, năm 2019.

* Cà Mau chọn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Vậy trong quá trình đầu tư tại địa phương, các DN có gặp nhiều trở ngại trong vấn đề này không? Cà Mau cần những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho DN trong TTHC?

Ông Quách Văn Ấn: Xác định công tác cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng của tỉnh để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, công tác cải cách TTHC trong thực hiện các trình tự thủ tục các dự án đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, lấy công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ làm hạt nhân hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư, kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả, trong đó tập trung vào đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng trong công tác cải cách TTHC, Cà Mau cần quan tâm thực hiện những giải pháp: iPEC sẽ tiếp tục đồng hành là cầu nối và đầu mối trong việc hỗ trợ, tư vấn không thu phí cho DN và nhà đầu tư trong việc tiếp cận môi trường đầu tư, thực hiện trình tự thủ tục các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Cà Mau để giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư và DN. Tiếp tục đề xuất đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian giải quyết, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư, hoạt động của DN, tạo điều kiện cho DN và thu hút đầu tư; đồng thời, đảm bảo việc trả kết quả giải quyết TTHC cho nhà đầu tư, DN đúng thời gian quy định.

Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định TTHC; thường xuyên rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định TTHC không phù hợp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các quy định pháp luật để thực thi các phương án đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chủ trì và phối hợp giải quyết TTHC cho nhà đầu tư và DN; tăng cường hơn nữa công tác công khai, minh bạch trong thực hiện trình tự TTHC; chỉ đạo triển khai thực hiện, lựa chọn, bố trí cán bộ công chức, kiểm tra chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ cho công dân và tổ chức thông qua bộ phận “một cửa”.

Một điểm du lịch thuộc tỉnh Trat (Thái Lan), nằm trênTuyến đường bộ R10 kết nối Cà Mau – Kiên Giang – Campuchia – Thái Lan. Ảnh: CHÍ BẮC

* Đối với lĩnh vực du lịch, Cà Mau đã xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư những dự án trọng điểm nào, thưa ông?

Ông Quách Văn Ấn: Cà Mau đang xây dựng Dự án kết nối du lịch Cà Mau với Kiên Giang, kết nối và phát triển sản phẩm du lịch đường biển Cà Mau – Nam Du – Phú Quốc và trên tuyến R10 với các nước Thái Lan, Campuchia hướng đến việc đa dạng hóa các tuyến điểm du lịch tại Cà Mau. Tổ chức, tham gia các đoàn khảo sát các tuyến, khu, điểm du lịch và có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh: Đất Mũi, Cà Mau – U Minh Hạ – Đá Bạc – Điểm di tích Bác Ba Phi… đề xuất giải pháp phát triển các điểm, khu du lịch chất lượng cao, tạo điều kiện để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch thuộc các hệ sinh thái đa dạng của Cà Mau.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị, tổ chức, DN cung ứng các dịch vụ liên quan hỗ trợ ngành Du lịch: Các hãng hàng không, giao thông vận tải, siêu thị, khách sạn, nhà hàng, hệ thống ngân hàng… tạo điều kiện phát triển ngành đồng bộ, kéo theo sự phát triển của các ngành nghề liên quan.

Trong năm nay sẽ tổ chức, tham gia các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau tại các thị trường khách du lịch trọng điểm trong và ngoài nước: Lễ hội ẩm thực cua Cà Mau, trưng bày quảng bá du lịch tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) và hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội)…

* Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh của các DN nói chung, lĩnh vực du lịch nói riêng. Ông cho biết Cà Mau có những chính sách gì hỗ trợ cho DN, để giảm bớt khó khăn hiện nay?

Ông Quách Văn Ấn: Tình hình dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng mạnh đến các hoạt động xuất khẩu, thương mại, du lịch trên toàn tỉnh, gây khó khăn nhất định đối với sản xuất kinh doanh. Về du lịch: Trong Quý I/2020, tổng lượng khách du lịch đạt 432.252 lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ, riêng khách quốc tế giảm 34,7% (đạt 4.330 lượt). Có 17 cơ sở lưu trú, 9 công ty lữ hành và các khu, điểm du lịch tạm dừng hoạt động. Chương trình kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020 nhằm khôi phục thị trường du lịch. Thông điệp của Chương trình là “Cà Mau an toàn, thân thiện”. Theo đó, các chính sách được áp dụng: Hỗ trợ ở mức tối đa theo quy định; các DN được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch của tỉnh được hỗ trợ 100% chi phí cho 1 người tham gia; khuyến khích các DN đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới…

* Xin cảm ơn ông !

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *