Khởi nghiệp từ sức trẻ

Vào khoảng tháng 10/2016, anh Phố Chí Dững (ấp Thuận Lợi, xã Tân Đức) sau khi tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, đã mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng, mua 1.000 con rắn mối giống. Qua gần 5 tháng nuôi, rắn đẻ được thêm 800 con, hiện đang phát triển tốt. Giá rắn mối 30 con/kg hiện khoảng 450 ngàn đồng. Anh cho biết rắn mối nuôi khoảng 2,5 tháng thì đẻ, mỗi lứa đẻ từ 8 – 15 con, nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Để chủ động thức ăn cho rắn mối, anh Dững còn tự nhân giống các loài sâu và dế. Mỗi tháng anh bán khoảng 150kg sâu, mỗi ký 120 ngàn đồng. Anh còn nuôi 65 con rắn ri tượng bố mẹ. 1 năm anh cho rắn phối giống và sinh sản hơn 600 rắn con, thu nhập gần 50 triệu đồng. Ngoài ra anh còn nuôi thỏ. Với diện tích 2ha đất, anh nuôi tôm kết hợp cua, bình quân mỗi năm thu gần 500 triệu đồng.

Với diện tích 2.000m2, anh Nguyễn Thái Lực (ấp Tân Phú, xã Tạ An Khương) bao ví thành 2 ô để nuôi 200kg sò huyết, nguồn vốn hơn 37 triệu đồng (trong đó, Huyện đoàn Đầm Dơi tranh thủ từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; Xã đoàn Tạ An Khương tranh thủ 7 triệu đồng từ nguồn quỹ người nghèo của xã). Thả mật độ 200 con/m2, sau 4,5 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng 130 con/kg, dự kiến hơn 1 tháng nữa anh sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn sò, trọng lượng 80 con/kg.

Anh Phố Chí Dững chia sẻ cách nuôi rắn ri tượng.

Anh Phạm Thanh Duy, Phó Bí thư Huyện Đoàn: “Thời gian qua, thanh niên huyện có nhiều mô hình khởi nghiệp. Có rất nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm và vốn. Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế, làm giàu từ chính mảnh đất của mình, bám trụ để cùng đồng hành với địa phương”.

Thực hiện phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, đến nay, toàn huyện Đầm Dơi có 32 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đăng ký xây dựng mô hình sản xuất có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng; 16 ĐVTN đăng ký kinh doanh có thu nhập từ 150 – 250 triệu đồng. Xây dựng được 18 câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế với 426 thành viên.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đầm Dơi về tăng cường chỉ đạo phát huy sáng kiến của cán bộ và nhân dân, tổ chức các mô hình, nâng cao hiệu quả phát huy sáng kiến của cán bộ và nhân dân. Qua triển khai, tuyên truyền đến ĐVTN trên địa bàn huyện, đã thực hiện 58 mô hình, nuôi sò, bồ câu, tôm công nghiệp, vèo cua, trồng rau sạch, làm tôm khô…

Thông qua thực hiện các mô hình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận và tìm kiếm thông tin, trau dồi kiến thức, nghiên cứu học tập, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, thanh niên Đầm Dơi hiện vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, hình thành và sàng lọc ý tưởng, định hướng kinh doanh; thiếu kỹ năng trong quản lý, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, marketing cho sản phẩm.

Anh Phạm Thanh Duy, Phó Bí thư Huyện Đoàn: “Thông qua chương trình khởi nghiệp, mong các cấp lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là đầu ra sản phẩm cho tất cả các mô hình mà ĐVTN đang phát triển, tạo niềm tin để cho ĐVTN tăng gia sản xuất hơn nữa, bám trụ tại địa phương”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *