Khởi sắc cuộc sống người dân dưới tán rừng đước

Bình quân 1ha gỗ đước, hộ dân nhận khoán đất rừng thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Cao Cường (ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân) là một trong những hộ dân được giao khoán rừng. Năm 1989, ông được nhận trên 37ha đất từ Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Kiến Vàng để trồng rừng và nuôi hải sản dưới tán rừng, nhưng thời điểm đó việc trồng rừng chưa đem lại giá trị kinh tế nên đời sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Ông Cường nhớ lại: “Lúc đó gia đình tôi không có tư liệu sản xuất, làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn, không có điện thắp sáng, nước sinh hoạt phải đi đổi hoặc lấy nước mưa. Các con tôi đều học giỏi, nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn mà phải lần lượt nghỉ học”. Đôi lúc, vì quá cơ cực mà ông Cường có ý định chuyển giao khoán đất cho hộ khác, nhưng như cái “nghiệp” với nghề rừng, nên ông Cường đã cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống hằng ngày bằng cách bắt ốc len, ba khía, đào vọp…, dồn sức trồng cây, bảo vệ rừng.

Đến năm 2001, khi có chủ trương, chính sách của Nhà nước cho phép khai thác rừng đối với những hộ dân được nhận khoán rừng, lại được “gặp thời” khi giá trị cây rừng tăng lên; thấy được giá trị cũng như lợi ích của rừng mang lại, ông Cường có thêm động lực trồng, chăm sóc cây rừng. Mỗi đợt khai thác rừng đến tuổi, gia đình ông thu về vài chục triệu, rồi vài trăm triệu đồng. Nhờ rừng mà giờ đây, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn, tiện nghi trong nhà được sắm sửa đầy đủ, mới đây còn mua được máy phát điện để thắp sáng trong nhà. Đến nay, gia đình ông Cường đã khai thác rừng được 4 lần; sau mỗi lần khai thác, ông đều trồng lấp lại 100% diện tích. Lần khai thác gần đây, trừ chi phí nộp cho BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng, ông thu về 200 triệu đồng.

Nhằm tạo điều kiện cho các gia đình nhận đất rừng yên tâm lao động, gắn bó lâu dài với rừng, BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước về giao khoán đất rừng. Trong đó, người dân được hưởng 80% lợi nhuận từ việc khai thác rừng, trừ các khoản chi phí theo quy định như công trồng cây, chăm sóc cây rừng.

Ông Lý Văn Nhiệp (ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc) là người đi đầu trong công tác trồng và bảo vệ rừng, với trên 40 năm trồng rừng. Ông có trên 8ha đất vuông, chủ yếu trồng rừng, chỉ chừa lại một khoảng trống để làm lối đi. Tận dụng mặt nước dưới tán rừng, ông thả nuôi tôm, cua và sò huyết, mỗi con nước thu về từ 5 – 6 triệu đồng. Cách đây 6 năm, gia đình ông cũng đã khai thác rừng được một lần, thu về trên 1 tỷ đồng. Sau khai thác, ông Nhiệp tiếp tục trồng cây đước, hiện cây phát triển tốt.

Để duy trì diện tích rừng trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích, hiệu quả của việc trồng rừng. Từ đó, người dân càng ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng, đảm bảo diện tích cây rừng ngày càng phát triển và mở rộng. Đồng thời, BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng cũng đã xây dựng nhiều chương trình, dự án thiết thực nâng cao đời sống của người dân dưới tán rừng.

Ông Trần Thanh Nhàn, Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ Kiến Vàng cho biết, năm nay diện tích khai thác rừng đạt hơn 122,9ha và doanh thu trên 12 tỷ đồng, chia lợi nhuận cho các chủ rừng là 2,5 tỷ đồng. “Với lợi nhuận của cây rừng mang lại, đây được xem là dấu hiệu khởi sắc cho đời sống kinh tế của người dân trồng rừng trên địa bàn huyện” – ông Nhàn phấn khởi và thông tin thêm: “Gần đây, đơn vị đã thực hiện dự án UN-REDD+ nhằm hạn chế suy thoái rừng và bảo vệ môi trường chống lại khí cacbon. Nguồn vốn được đầu tư từ tổ chức phi chính phủ. Từ dự án, người dân được hưởng lợi nhuận từ việc chia tỷ lệ cacbon theo mức tăng trưởng của cây rừng, từ đó khuyến khích, động viên người dân phát triển rừng một cách bền vững và lâu dài”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *