Không để dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng

Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.

Bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không để đổ gãy kinh tế

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm chống dịch COVID-19 trong giai đoạn 2 sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Đà Nẵng ngày 24/7.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch trong cộng đồng, phải thực hiện được mục tiêu kép trong lúc toàn cầu gặp khó khăn; bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng không để đổ gãy kinh tế. Điều này đòi hỏi chỉ đạo thật tốt để nhân dân ủng hộ, chỉ có nhân dân ủng hộ thì mới thành công.

Vấn đề giãn cách xã hội sẽ được đặt ra đến đâu, như thế nào, chứ không phải tất cả các khu vực đều giãn cách xã hội. Những phương thức nào chúng ta đã làm cần tiếp tục làm tốt hơn như: vận động nhân dân rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; truy vết, xét nghiệm mở rộng.

Tính đến 18 giờ ngày 1/8, tại Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 3 trường hợp tử vong.

Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến nay, cả nước đã có thêm 175 trường hợp mắc được ghi nhận, trong đó có 144 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (105), Quảng Nam (25), Đắk Lắk (11), TP. Hồ Chí Minh (8), Quảng Ngãi (2), Hà Nội (2), Thái Bình (1) và 3 trường hợp tử vong (BN428, BN437, BN499) là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền rất nặng.

Sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại, hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP. Đà Nẵng, với 138/144 trường hợp là các bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.

Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác, đồng thời có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng.

Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội của đất nước.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết Bộ đã khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đồng thời yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, tất cả các ca F1 buộc phải cách ly, không có ngoại lệ, theo đúng quy định.

Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, ngành Y tế đã triển khai thành lập các Tổ COVID-19 cộng đồng và phân chia số lượng người cần quản lý, giám sát và tiến hành lấy mẫu khi có triệu chứng bất kỳ.

Các lực lượng của Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với địa phương, nỗ lực cao nhất để phải ngăn bằng được, càng sớm càng tốt dịch bệnh tại Đà Nẵng, giảm thiểu tối đa tử vong ở khu vực này. Đồng thời, tích cực thực hiện giãn cách bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng, giải phóng nhanh, giảm mật độ với bệnh viện này (ở cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế), và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các đơn trị trực thuộc trong và ngoài ngành Y tế đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn, để đảm bảo xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 tại chỗ; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác thực hiện xét nghiệm.

Thần tốc, bình tĩnh, chủ động

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng cần thực hiện phương châm bình tĩnh, chính xác, xử lý kiên quyết từ bên trong, phân tích kỹ khả năng hiện nay, giữ vững mục tiêu kép; cần tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh và nhập cảnh trái phép. Đối với những địa phương có nguy cơ cao cần áp dụng các biện pháp mạnh, cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội, kiên quyết không để ổ dịch xảy ra trong bệnh viện; quản lý chặt chẽ công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời xử lý những thông tin sai sự thật.

Thảo luận về Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, một số ý kiến cho rằng việc cần dừng hẳn kỳ thi thì có đúng không trong lúc chúng ta chỉ có mấy tỉnh giãn cách xã hội; có nên chia đợt tổ chức kỳ thi hay không.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, về cơ bản công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã hoàn tất ở tất cả các bước.

Mọi việc đã sẵn sàng, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh, để đảm bảo an toàn cho thí sinh, Bộ trưởng Nhạ đề xuất kỳ thi có thể chia làm 2 đợt, đối với địa phương không có nguy cơ cao sẽ tổ chức thi trước, địa phương có nguy cơ cao sẽ tổ chức thi đợt sau như Đà Nẵng và Quảng Nam, đảm bảo cho tất cả các em thi sau vẫn có khả năng đỗ vào đại học.

Liên quan đến việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào điều kiện thực tiễn, có phương án chỉ đạo các địa phương đảm bảo tổ chức kỳ thi đúng quy định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta đã rất bình tĩnh, làm rất quyết liệt, xác định Đà Nẵng và Quảng Nam là tâm dịch. Các tỉnh phải theo dõi các trường hợp đã đi/về Đà Nẵng, quản lý nghiêm việc xuất nhập cảnh, thực hiện nghiêm ngặt các quy định khám chữa bệnh, tăng cường biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng tại các nơi đông người như bến xe, bến tàu.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Sau khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó là Quảng Nam, Quảng Ngãi, chúng ta đã có nhiều biện pháp xử lý kịp thời, khoanh vùng với nhiều biện pháp mạnh mẽ, nhất là giãn cách ở các ổ dịch. Ngành Biên phòng quản lý chặt chẽ biên giới, ngành Y tế quản lý tốt bệnh nhân nặng để hạn chế đến mức tối đa tình trạng tử vong.

Với tinh thần thần tốc, bình tĩnh, chủ động, không hoang mang, không bi quan, không bị động, đặc biệt không để lây lan trên diện rộng, các địa phương phải áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, đồng thời kêu gọi người dân khai báo y tế.

Dịch bệnh lần này ở cấp độ mới, cho nên mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm làng là pháo đài chống dịch, không để lây lan trên diện rộng.

Ngành Y tế cố gắng không để xảy ra ổ dịch trong bệnh viện, bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế một cách tốt nhất. Các bộ, ngành, địa phương rà soát tháo gỡ những khó khăn”.

Liên quan đến việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào điều kiện thực tiễn, có phương án chỉ đạo các địa phương đảm bảo tổ chức kỳ thi đúng quy định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *