Không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: “Không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại thấp nhất”.

Xuất hiện 2 ổ dịch

Tại phiên họp của UBND tỉnh kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội tháng 5, diễn ra trong tuần qua, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, ông Võ Trường Giang thông tin, trên địa bàn có 3 con lợn chết bat thường. Vụ việc xảy ra tại đàn lợn 19 con của ông Nguyễn Hoàng Trung (ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ). Ngay sau đó, lực lượng chức năng kết hợp cùng chính quyền địa phương tiêu hủy 19 con lợn, thu mẫu bệnh phẩm gửi đi kiểm nghiem.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cũng cho biết, địa bàn có 9 con lợn bị chết (trong tổng đàn 15 con) của 2 hộ dân tại ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây; trong đó, đàn lợn của ông Triệu Quang Phúc gồm 6 con, có 1 con bị bệnh chết. Địa phương tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, tiêu hủy 1 con lợn và giao gia đình quản lý chặt, tách riêng các con lợn còn lại trong đàn để theo dõi.

Theo đó, chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại hộ ông Triệu Quang Phúc (ấp Đường Kéo, xã Tân Ân Tây) và hộ ông Nguyễn Hoàng Trung (ấp Ba Tiệm, xã Phú Mỹ) là dương tính với virus DTLCP. Ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy tất cả số lợn trong đàn còn lại của hộ ông Triệu Quang Phúc.

Trước tình hình này, tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống DTLCP huyện Ngọc Hiển và Phú Tân giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổng điều tra, rà soát đàn lợn trên địa bàn xung quanh ổ dịch, chủ động ứng phó trong mọi tình huống với dịch bệnh. Tăng cường hơn nữa hoạt động của các trạm, chốt để quản lý nguồn vận chuyển lợn trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện nghiêm các quy định về tiêu hủy, lấy mẫu bệnh phẩm trên lợn nghi có biểu hiện dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi; đồng thời tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi làm sạch môi trường, hạn chế mầm bệnh lây lan. 

Hố tiêu độc, khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Cây Trâm (xã Định Bình, TP. Cà Mau), tiêu độc, khử trùng tất cả các loại xe từ tuyến Quốc lộ 1A vào địa bàn tỉnh.

Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền

Trước đó, cũng tại xã Tân Ân Tây, 6 con lợn của hộ ông Văn Công Nhuẫn phát bệnh, nghi bị phó thương hàn, ngành Thú y hướng dẫn điều trị. Tuy nhiên, chủ hộ không thực hiện theo hướng dẫn mà mổ 3 con lợn (mỗi con khoảng 80kg) chia thịt cho người dân trong xóm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho rằng, để trường hợp này xảy ra, chứng tỏ công tác tuyên truyền chưa hiệu quả, chưa làm cho dân hiểu mức độ nguy hiểm của bệnh DTLCP để nâng cao ý thức phòng dịch. Người dân tự ý làm thịt lợn bệnh chia nhau sử dụng trong khi chưa biết rõ tình trạng bệnh thì nguy cơ lây lan là rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu tăng cường kiểm tra trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP, không để lơi lỏng bất cứ lúc nào, chỗ nào, phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ.

Cà Mau có tổng số đàn lợn trên 74.000 con, trong đó có khoảng 8 trang trại, còn lại là các hộ nuôi nhỏ lẻ. Trong những phiên họp trước đây của UBND tỉnh về phòng, chống DTLCP, các ngành chuyên môn tỏ ra băn khoăn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi những hộ nuôi heo nhỏ lẻ chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn thừa trong gia đình, có khi để qua nhiều ngày, ôi thiu; thêm nữa, khâu vệ sinh chuồng trại chưa kỹ càng, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh. Theo dự báo, DTLCP sẽ tấn công từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hộ chăn nuôi lớn, nếu người dân và chính quyền không đồng lòng, quyết liệt dập dịch.

Người dân cần nâng cao nhận thức, chung tay phòng, chống dịch.

Tỉnh xác định phòng, chống DTLCP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Trong quá trình triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, tỉnh gặp khó do địa bàn rộng, nhiều sông rạch, thiếu lực lượng, phương tiện. Tuy nhiên, không vì những khó khăn trên mà chủ quan, lơ là. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo: “Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, phải phát hiện ngay, kịp thời khoanh vùng cô lập, tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy lợn theo đúng quy định, không để dịch lây lan ra diện rộng, hạn chế phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại thấp nhất”.

Từ nhiều tháng qua, cao điểm là trong tháng 5, các địa phương đã tích cực triển khai công tác phòng, chống bệnh DTLCP; phát hiện, xử lý kịp thời đối với những trường hợp vận chuyển lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn. Cụ thể, TP. Cà Mau đã kịp thời phát hiện và tiêu hủy 127kg thịt heo được nhập vào từ vùng có DTLCP, cơ sở này là nơi sản xuất chả lụa và bánh mì thịt, tuy nhiên không có đăng ký với chính quyền. Huyện Thới Bình đã phát hiện, xử lý phương tiện vỏ lãi vận chuyển 55kg thịt không rõ nguồn gốc vào xã Tân Phú.

Tại phiên họp, bên cạnh lưu ý các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trong dân nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống DTLCP, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng: Với Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phải sớm phát hiện những vướng mắc, khó khăn, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời; vận động các đối tượng đã học xong đại học, trung cấp và con em của cán bộ, đảng viên chưa có việc làm tham gia đề án. Nghiêm túc kiểm tra, giải tỏa các chướng ngại vật trên sông, trên biển; tăng cường tuyên truyền, vận động và thực hien tốt việc giám sát tàu cá, không vi phạm vùng biển nước ngoài, triển khai nghiêm túc việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *