Không được chủ quan trong phòng, chống bão số 14

 

Thông tin mới nhất từ Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau, hồi 7 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,1 độ Vĩ Bắc, 113,2 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 270km về phía Đông-Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 – 75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được 10 – 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,6 độ Vĩ Bắc, 110,0 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 100km về phía Tây Bắc.Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 7,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km. Đến 7 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc, 107,0 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, mặc dù dự báo khi vào gần bờ bão suy yếu thành áp thấp, nhưng với cấp gió nói trên vẫn rất nguy hiểm đối với nhiều công trình nhà cửa, nhất là các hoạt động trên biển và khu vực ven biển. Do đó, yêu cầu các ngành, đoàn thể các cấp, UBND cấp huyện thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số7300/UBND-NNTN ngày 19/12/2020.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan truyền thông, chú ý tuyên truyền sát với thông tin dự báo và tình hình thực tế tại địa phương; tránh tình trạng thiếu thông tin, thông tin không chính xác dẫn đến hoang mang hoặc chủ quan trong ứng phó. Đảm bảo an toàn đối với tàu thuyền hoạt động trên biển; an toàn hạ tầng, cơ sở hoạt động trên biển, ven biển; thực hiện chằng chống nhà cửa; di dời dân đến nơi an toàn…

“Trưởng các Khu vực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phân công thành viên xuống địa bàn kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sáng ứng phó bão của địa phương, ngay chiều nay (21/12). Duy trì chế độ trực ban 24/24 giờ, báo cáo hàng ngày và đột xuất về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo.

Kiểm tra các tuyến đê biển, các khu vực xung yếu, kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra

Theo công văn số 7300/UBND-NNTN ngày 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ban Chỉ huyPCTT&TKCN tỉnh và UBND các huyện, TP. Cà Mau thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của áp thấp nhiệt đớicó khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông;kịp thời thông tinđến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng phó, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các huyện ven biển chỉ đạo UBND các xã, các Đồn Biên phòng thông báo đến tất cả các phương tiện hoạt động trên biển biết, không chủ quan, mất cảnh giác; đồng thời khẩn trương kiểm đếm, quản lý chặt chẽ tàu thuyền trên biển, phương tiện ven bờ; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với thuyền trưởng, các phương tiện; hướng dẫn tàu vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Sở NN&PTNTphối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình, nhất là các công trình ven biển, trên đảo,… chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó, tránh để xảy ra thiệt hại; chỉ đạo kiểm tra các tuyến đê biển, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; thông báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với lồng bè nuôi thủy sản tại Hòn Chuối và các cửa biển.

UBND các huyện, TP. Cà Mau chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên thuộc địa bàn quản lý; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã tuyên truyền, vận động các người canh giữ đáy hàng khơi chủ động vào bờ tránh trú an toàn. Tuyên truyền người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, đặc biệt là người dân ven biển; sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão theo cấp độ rủi ro thiên tai (bao gồm cả phương án di dời dân nếu cần thiết).

Các đơn vị làm nhiệm vụ trực ban về PCTT&KTCN các cấp tổ chức trực 24/24 giờ; theo dõi, cập nhật các bản tin, nội dung chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&KTCN tỉnh, chủ động triển khai thực hiện. Báo cáo nhanh các vụ việc, khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&KTCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực – Chi cục Thủy lợi) để chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *