Không nên đi theo lối mòn

Trên cơ sở thảo luận, đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình yêu cầu việc xây dựng “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI” không nên đi theo lối mòn. Phải có suy nghĩ khác, tuy nhiên vẫn phải bám vào chủ trương, nghị quyết của Đảng và vận dụng thích hợp vào điều kiện thực tế tại Cà Mau.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Chọn khâu đột phá làm mục tiêu phát triển chiến lược

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phương châm Đại hội phải là phương châm chỉ đạo trong suốt cả nhiệm kỳ. Về chọn khâu đột phá, cần xây dựng từ 2 phương án trở lên để có sự cân nhắc, lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng bộ, các nhà khoa học, những người quan tâm. Trong đó lưu ý việc tiếp tục tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, thủy lợi. Cần lựa chọn những công trình, dự án trọng điểm làm khâu đột phá, vừa mang dấu ấn nhiệm kỳ vừa mang tính tầm nhìn chiến lược, xây dựng nền tảng cho tương lai.

Chỉ đạo tiếp tục xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến yếu tố con người có trình độ cao, bởi thực tế đã qua, dù có quan tâm nhưng hiệu quả và chất lượng mang lại chưa như mong đợi. Bên cạnh đó, cần lưu ý việc đẩy mạnh phát triển các đô thị ven biển gắn lao động với giải quyết việc làm, tạo nền tảng phát triển kinh tế biển.

Mục tiêu Đại hội trong nhiệm kỳ tới, Trung ương đề ra 3 cột mốc thời gian quan trọng, trong đó hướng đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Theo đó, Cà Mau cũng cần đề ra mục tiêu riêng cho tỉnh theo từng mốc thời gian mang dấu ấn lịch sử của dân tộc, mà trước tiên là cột mốc đến năm 2025.

Tuy là tỉnh nằm trong khu vực ĐBSCL, tuy nhiên Cà Mau vẫn có những khác biệt về vị trí, địa lý, từ đó có những đặc trưng riêng biệt mà không đâu có được – chỉ ra điều này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Thanh Bình đề nghị, khi xây dựng văn kiện trình Đại hội tới đây, phải làm rõ những vấn đề mang yếu tố đặc trưng, khác biệt của tỉnh, cả về lợi thế lẫn khó khăn. Nhận diện rõ để vạch ra hướng đi phù hợp, hài hòa, tập trung; có trọng tâm, trọng điểm hơn trong thực hiện giải pháp khắc phục, cũng như tận dụng nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả, phát triển bền vững, thích ứng với tình hình thực tế và xu hướng tất yếu của tự nhiên.

Tập trung phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc và đột phá chiến lược để phát triển ổn định, nhanh và bền vững.

Hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 22 cũng đã thông tin về kết quả thực hiện Nghị quyết số 13 – NQ/TW (Nghị quyết 13 – TW), ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020”.

Theo đó, qua 7 năm thực hiện nghị quyết, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh được quan tâm, ưu tiên tập trung đầu tư và có sự đột phá, cải thiện đáng kể so với trước đây. Quy mô của hệ thống kết cấu hạ tầng ngày càng lớn, đã góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong giai đoạn 2012 – 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 71.800 tỷ đồng, trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông vận tải; thủy lợi, đê biển; hạ tầng lưới điện và năng lượng tái tạo; thương mại…

Nêu lên những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho rằng, do kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của địa phương còn yếu kém nên nhu cầu đầu tư lớn ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong khi đó điều kiện vốn đầu tư nhỏ nên chưa thể tập trung đúng mức vào các công trình trọng điểm, quan trọng, mang tính đột phá của tỉnh.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh việc huy động đa dạng các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng.

Tham gia thảo luận nội dung trên, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận kết cấu hạ tầng, nhất là trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi là chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, còn nhiều thấp kém, mà nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư chưa thể đáp ứng, làm cho tốc độ phát triển kinh tế – xã hội địa phương chậm khởi sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *