Không nên tự xử lý khi bị chó, mèo cắn

Theo bác sĩ Lê Ngọc Định, phương thức gia truyền: Lấy nọc, đắp thuốc… điều trị cho người bị chó cắn, hiện chưa được y học chấp nhận.

* Bác sĩ có thể cho biết tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như thế nào?

Bác sĩ Lê Ngọc Định, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Toàn tỉnh hiện đã ghi nhận 9 ổ dịch nghi dại và dại trên chó; cụ thể, huyện Trần Văn Thời 4 ổ dịch, Cái Nước 4 và TP. Cà Mau 1. Trong đó 4 ổ có xét nghiệm dương tính với vi-rút dại, ở các xã: Khánh Hải, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) và Phường 7 (TP. Cà Mau).

Số người bị chó cắn tại 9 ổ dịch là 35 người, tiêm vắc-xin 34 người, tiêm huyết thanh kháng dại 33 người. Bệnh dại trên đàn chó đang lưu hành tại huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP. Cà Mau.

* Có một số người, sau khi bị chó, mèo cắn thì tự đi đến các cơ sở tư nhân để tiến hành lấy nọc, bác sĩ có ý kiến gì về vấn đề này?

Bác sĩ Lê Ngọc Định: Người dân có thói quen nuôi chó, mèo rất nhiều tại các hộ gia đình và chó nuôi thường thả rông, không xích nhốt và rọ mõm. Đa số không đăng ký, khai báo với chính quyền khi nuôi chó, mèo tại hộ gia đình và không tự giác đem chó, mèo đi tiêm phòng vắc-xin dại. Hiện nay, một số ít người dân có tính chủ quan, thiếu hiểu biết, phong tục tập quán lạc hậu, khi bị chó, mèo cắn còn điều trị theo phương thức gia truyền: Lấy nọc, đắp thuốc… Phương pháp này hiện nay chưa được y học chấp nhận.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với Phòng Y tế kiểm tra tất cả các cơ sở tư nhân lấy nọc tại địa bàn, trình cấp thẩm quyền giải quyết.

Ngành chức năng khuyến cáo để đảm bảo sức khỏe, cần đến ngay các điểm tiêm ngừa để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

* Để bảo đảm sức khỏe, việc làm cần thiết sau khi bị chó mèo cắn là gì, thưa bác sĩ ?

Bác sĩ Lê Ngọc Định: Những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút; nếu không có xà phòng, có thể rửa vết thương bằng nước thông thường. Tuy đây chỉ là phương pháp sơ cứu, nhưng lại rất hiệu quả để phòng chống bệnh dại. Sau đó sát khuẩn vết thương với cồn 70%, cồn iod làm giảm thiểu lượng vi-rút dại tại vết cắn. Chú ý hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Đến ngay Trung tâm Y tế hoặc các điểm tiêm ngừa vắc-xin dại gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.

Tuyệt đối không tự chữa hoặc điều trị thuốc nam, thuốc gia truyền, sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bị chó cắn. 

Với các điểm tiêm phòng, khi người dân đến tiêm phòng dại cần khai thác kỹ tình trạng chó, mèo cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu bệnh dại hoặc cắn nhiều người cần báo ngay cho Trung tâm Y tế gần nhất biết để phối hợp phòng chống dịch kịp thời

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *