Không trông chờ ỷ lại, tạo việc làm theo nhu cầu…

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo báo cáo của UBND huyện Thới Bình, nhìn chung, tình hình kinh tế – xã hội trong những tháng đầu năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, hạ tầng nông thôn được tập trung xây dựng; công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả.

Ông Lý Minh Vững, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn. Hiện nay, huyện đang phát triển mạnh mô hình sản xuất lúa – tôm càng xanh. Tuy nhiên, người dân sản xuất các mô hình này còn gặp một số khó khăn, phải thuê gặt thủ công với chi phí cao, chất lượng và sản lượng lúa giảm, do chưa cơ giới hóa vào sản xuất”.

Đối với lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn huyện có 5/11 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 45,45%; trong đó: 2 xã (Trí Lực và Trí Phải) đạt chuẩn năm 2015; 3 xã (Tân Lộc, Tân Bằng, Biển Bạch Đông) đạt chuẩn năm 2017.

Căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án huyện Thới Bình đạt chuẩn NTM của tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện năm 2019, 2020.

Trên cơ sở xác định nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ và nguồn cân đối ngân sách huyện trong năm 2019, UBND huyện còn gặp khó khăn về nguồn vốn thực hiện các tiêu chí, cụ thể đối với tiêu chí xã NTM (năm 2019), tiêu chí giao thông cần vốn để đầu tư 43 danh mục cầu, lộ, với số tiền 75,7 tỷ đồng. Tiêu chí trường học, cần đầu tư 3 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, với số tiền 31 tỷ đồng.

 Riêng tiêu chí điện, huyện còn 3 xã chưa đạt là: Tân Phú, Thới Bình và Biển Bạch. Để các xã này đạt chuẩn, cần đầu tư thêm xã Tân Phú 5 tuyến, xã Thới Bình 9 tuyến, xã Biển Bạch 4 tuyến. Đối với xã Tân Phú và Thới Bình, các tuyến điện cần đầu tư thêm thuộc Đề án 2081 nhưng chưa triển khai.

Đối với lĩnh vực y tế, công tác quyết toán Bảo hiểm y tế chậm (đến hết tháng 3/2019 nhưng cơ quan bảo hiểm vẫn chưa có biên bản quyết toán quý IV/2018), gây khó khăn cho Trung tâm  Y tế trong việc cân đối ngân sách để chi trả lương và hoạt động cho cán bộ, viên chức cũng như công tác quyết toán với cơ quan tài chính (tạm ứng ngân sách để thực hiện), kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện công tác quyết toán Bảo hiểm y tế kịp thời, để tháo gỡ khó khăn cho Trung tâm Y tế.

Công trình Trung tâm Y tế (hạng mục: Khối khoa chuyên môn, kho) do Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, đã xây dựng hoàn thành năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng, do chưa có hệ thống điện, nước. Kiến nghị Bảo hiểm y tế tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh sớm triển khai đầu tư hạng mục điện nước để Trung tâm Y tế sớm đưa vào hoạt động…

Ngoài ra, tại buổi làm việc, huyện nêu lên nhiều khó khăn trên lĩnh vực giáo dục, công tác tiếp công dân, quản lý quy hoạch, hành lang đường bộ, lao động và giải quyết việc làm… Trên cơ sở khó khăn đặt ra, huyện kiến nghị UBND tỉnh kịp thời can thiệp, hỗ trợ địa phương khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với lĩnh vực nông nghiệp, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giải pháp tháo gỡ vấn đề thu hoạch lúa và tôm càng xanh. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng các điểm vệ tinh cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực của Trung tâm giống An Giang và xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm tôm càng xanh.

Trong xây dựng NTM, ngoài bố trí hỗ trợ nguồn vốn, huyện kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với ngành Điện. Đối với các tuyến của xã Biển Bạch không thuộc đề án, cần xây dựng 4 tuyến với chiều dài 6,4km. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đầu tư xây dựng Trường THPT Tân Bằng giai đoạn 2 để được công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2020.

Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tư pháp sớm có hướng xử lý dứt điểm vụ việc phức tạp, kéo dài ngoài khả năng của huyện, trong đó có vụ việc liên quan đến tôn giáo….

Đào tạo việc làm được xem là điểm sáng tại huyện Thới Bình.

Phải quyết liệt hơn trong cách làm

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đánh giá cao những chuyển biến của địa phương trong những năm gần dây trên tất cả các mặt. Viêc huy động sức dân cũng đã được thể hiện rõ nét, gần đây là xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Điều này thể hiện sự vượt khó vươn lên của người dân.

Huyện có nhiều điều kiện thuận lợi trong kết nối với các tỉnh bạn để phát triển kinh tế, trong đó có lợi thế từ tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khó khăn, đặc biệt là nguồn lực, trong đó có nguồn lực để xây dựng huyện thành huyện NTM. Thách thức lớn nếu không quyết liệt hơn thì sẽ về sau các huyện khác. Chính vì thế việc nhìn nhận đúng thực trạng để có nhiều giải pháp hiệu quả là rất quan trọng.

Để kịp thời hỗ trợ cho địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tập thể Thường trực UBND tỉnh đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng, xoay quanh các mặt công tác.

Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Qua khảo sát cho thấy đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. NTM có nhiều khó khăn nhưng có nhiều triển vọng hơn các địa phương khác. Về quy hoạch, trường lớp, huyện phải có một quy hoạch riêng trên cơ sở quy hoạch tổng thể của tỉnh. Đối với chính sách cho giáo viên, mặc dù còn vướng nhưng cũng đã được giải quyết cơ bản”.

Đặc biệt là đối với các chính sách có liên quan đến nhiều ngành, phải tăng cường phối hợp, giải quyết triệt để, không để tồn đọng, kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên. Việc thực hiện chế độ chính sách của giáo viên phải phù hợp với luật lao động, phải lọc hết tất cả các đối tượng. Nếu có khó khăn phải kịp thời báo cáo về UBND tỉnh.

Ông Trần Hồng Quân đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để đưa Trường THCS Tân Lộc thành trường học hai cấp, để sử dụng cơ sở vật chất của trường, vì hiện tại học sinh theo học tại trường rất ít.

Sở kế hoạch và đầu tư nghiên cứu hỗ trợ Trường Tiểu học Tân Lộc đầu tư thêm phòng học, để giảm áp lực về phòng học cho địa phương. Thống nhất xây dựng Trường THPT Tân Bằng trở thành trường đạt chuẩn trên cơ sở nghiên cứu thật kỹ nhu cầu sử dụng, không được đầu tư dàn trải, lãng phí.

Tiếp tục làm việc với Sở Nội vụ những vấn đề liên quan đến vị trí việc làm của nhân sự tại địa phương, trong đó có ngành Giáo dục; trong thi tuyển phải tính toán quy trình cụ thể.

Đối với các trường rớt chuẩn, nên tổng hợp lại để trình ngành có liên quan xem xét xử lý. Đối với trung tâm văn hóa xã, nếu không phải bắt buộc thì không xây dựng 3 phòng chức năng tại đây. Trên thực tế nếu xây dựng theo kiểu này thì rất lãng phí. Nên hạn chế xây dựng hội trường mà ưu tiên sân bãi rộng để nhân dân đến sinh hoạt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thân Đức Hưởng đánh giá cao những kết quả mà địa phương đạt được, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm. Tuy nhiên đối với một số chế độ chính sách, cần quan tâm sát sao hơn, như chế độ mai táng phí. Trong đào tạo việc làm phải căn cứ vào chuyển đổi, tái cơ cấu ngành kinh tế, phải đào tạo theo nhu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đồng tình đánh giá trước đó của các Phó Chủ tịch, ghi nhận và chia sẻ nhiều khó khăn của huyện, mong muốn ban chỉ đạo xây dựng NTM rà soát, xây dựng lại kế hoạch cụ thể hơn. Kế hoạch bám theo đề án đã được phê duyệt, làm sao các nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ đầu tư phải căn cứ quy hoạch, phân cấp, phân kỳ… phù hợp với khả năng, trách nhiệm của địa phương. Đối với các sở, ngành (Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần xem xét lại trách nhiệm của đơn vị trong hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng NTM đối với các tiêu chí do ngành đơn vị mình quản lý.

Trước đó, đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến khảo sát nhiều mô hình kinh tế, các trường học trên địa bàn huyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *