Không xa Trường Sa…

Kỳ 1: Triệu trái tim hướng về Trường Sa

Từ Cà Mau, mảnh đất cuối trời Nam, vượt hơn 700km đường bộ mới tới được TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) – nơi Hải quân Vùng 4 đóng quân, cũng chính là nơi khởi đầu cho hành trình đến với Trường Sa. Bởi lòng háo hức, nên mọi khoảng cách như gần lại. Cùng thời điểm này, cũng có hàng trăm trái tim Việt từ TP. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cùng vào miền Trung để đến với quần đảo Trường Sa.

1.000 hải lý gắn kết yêu thương

Cá nhân tôi cũng như đối với mỗi người làm báo khác đều luôn ấp ủ được một lần công tác ra quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Và điều may mắn, tôi được dịp tham gia cùng Đoàn công tác số 9 ra thăm, tặng quà quân và dân quần đảo Trường Sa.

Theo hải trình, tàu HQ 561 rẽ sóng vươn khơi. Giữa sóng nước mênh mang, bán đảo Cam Ranh mờ dần sau từng guồng quay chân vịt. Màn đêm buông xuống, giữa mênh mông biển trời, xa xa ánh đèn trên các thuyền đánh cá của ngư dân huyền ảo, lung linh. Từ tinh mơ, rất đông các thành viên trong đoàn đã có mặt trên boong tàu để ngắm bình minh.

Đảo Đá Lớn C tọa lạc uy nghiêm giữa mênh mông biển trời, được điểm tô bằng lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong ánh bình minh. Tàu thả neo. Cánh phóng viên, nhà báo chúng tôi được ưu tiên lên đảo trước. Sau những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi dạo thăm đảo. Không ngờ giữa biển khơi phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, ngôi nhà nhỏ của những người lính đảo toát lên vẻ chính quy, sạch, đẹp. Những chậu hoa giấy, hoa sứ… đua nhau khoe sắc cùng những luống rau xanh mướt và đàn lợn, đàn gà thong thả kiếm ăn, tạo nên cảm giác thật thân thương, gần gũi như mọi miền quê Việt Nam. Đất liền gần hơn với Trường Sa qua những hình ảnh này, do chính những con người trên đảo xây dựng nên.

Sau phần thăm hỏi, tặng quà và chương trình giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đoàn tiếp tục hành trình. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khóe mắt các mẹ, các chị trong đoàn. Tình thương mến, yêu quý thể hiện qua ánh nhìn và cái nắm tay, cái ôm thật chặt.

Tình cảm giữa đất liền và đảo xa luôn tồn tại và rất thiêng liêng, khó nói thành lời.

Thật đẹp làm sao Trường Sa hôm nay!

Cảm động và thiêng liêng nhất trong hành trình lần này, đó là cảm xúc trong những lần mọi người làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong tiếng nhạc bi hùng bản nhạc chiêu hồn tử sĩ, những ánh mắt đẫm lệ chăm chú hướng về nơi dâng lễ vật tưởng niệm các liệt sĩ. Thời khắc đoàn công tác thả hoa đăng, lễ vật cũng là lúc những cánh chim hạc bằng giấy và những bông hoa cúc vàng được các thành viên thả thành con sóng hoa hòa vào sóng biển, tri ân các anh hùng đã ngã xuống.

Không chỉ lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa tại vị trí boong tàu khu vực đảo Gạc Ma, mà tại các điểm làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong hành trình, tất cả thành viên trong đoàn đều dâng trào cảm xúc với lòng thành kính, tri ân vô hạn đối với công lao các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Trong hành trình ra thăm quân, dân quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 lần này đã để lại trong mỗi chúng tôi những cung bậc cảm xúc thật khó tả. Khi tận mắt thấy các điểm đảo Sinh Tồn, Trường Sa, Song Tử Tây… giữa trùng khơi bao la vẫn hiển hiện hồn quê đất Việt; những ngôi chùa ngân tiếng chuông chiều hòa cùng tiếng bi bô học bài của các “công dân nhí” trên đảo, tạo cho mọi người cảm giác thân thương như đang ở đất liền. Hơn thế, giữa biển trời Tổ quốc, dù còn có những khó khăn nhất định nhưng quân và dân trên các điểm đảo vẫn lạc quan, vững tin, chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 đã có gần 25 năm gắn bó với nhà giàn, khi phát biểu với đoàn công tác, khẳng định rằng dù gian khổ hy sinh, cán bộ và chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ và chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn kiên trung canh giữ biển trời Tổ quốc, sừng sững như cây phong ba.

Tấm gương Binh nhất Võ Minh Tuấn, chiến sĩ đảo Tốc Tan C, khiến tất cả thành viên trong đoàn phải khâm phục ý chí kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Tuấn quê ở Bình Dương, mặc dù đã có vợ và con nhưng anh vẫn xung phong, tình nguyện ra đảo công tác. Trên đường ra đảo, nhận được tin mẹ mất, nén đau thương, Tuấn luôn nỗ lực vươn lên trong công tác và trở thành tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trên đảo noi theo.

Và còn đó, những thầy giáo tình nguyện đối mặt khó khăn ra đảo dạy học; hay những vị sư trụ trì đã có 5 năm, 7 năm gắn bó đảo xa… Đó thực sự là những cây “phong ba” kiên cường bám biển trời góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.

Có những con người như vậy, Trường Sa hôm nay mới thật đẹp làm sao. Đến bất kỳ điểm đảo nào, dù đảo chìm hay đảo nổi, chúng tôi đều cảm nhận được thế đứng uy nghi, vững chãi của biển, đảo Việt Nam.

Những cột sóng viễn thông, những tòa nhà cao tầng bừng sáng trong nắng sớm; những rặng dừa vi vu cùng sóng biển; những đoàn thuyền ngư dân đánh cá cập cảng tiếp thêm dầu, nước ngọt và thăm hỏi quân, dân trên đảo… Tất cả chính là sức sống của Trường Sa hôm nay!

Như hiểu sự ngạc nhiên của tôi, Thượng tá Đinh Văn Tám, Phó Trưởng đảo Trường Sa, người có gần 30 năm công tác trên quần đảo, chia sẻ: “Những năm 90 của thế kỷ trước, trên các điểm đảo, nhà ở còn nhỏ, không điện, tivi, sóng điện thoại và 6 tháng mới có một chuyến tàu ra. Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc”.

Sau khi vượt gần 1.000 hải lý hải trình ra thăm quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, mỗi thành viên trong đoàn đều có những cảm nhận, suy nghĩ riêng, nhưng tất cả đều dành sự khâm phục ý chí vượt khó, quyết tâm bám biển, đảo, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc của quân và dân nơi đảo xa, cũng như chung một tình cảm lớn với hàng chục triệu người dân nước Việt: “Cả nước vì Trường Sa thân yêu”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *