Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự

Đường đến Khu tưởng niệm rất thuận tiện.

Theo sử liệu, Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là con trai của ông Đỗ Văn Nhân (vốn là võ cử nhân dưới triều Nguyễn). Khi thực dân Pháp xâm chiếm, gia đình ông ly tán tới miệt Lai Vung, Đồng Tháp; sau lại xuôi đến vùng đất Cái Tàu, Cà Mau. Tại đây, hai anh em họ Đỗ đã chiêu mộ nghĩa quân tại làng Khánh An để tổ chức nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra ác liệt tại vàm sông Cái Tàu và kéo dài được khoảng 3 năm. Nghĩa quân họ Đỗ đã thắng nhiều trận lớn. Tuy nhiên, do thế cùng lực kiệt, đến giữa năm 1875 thì không chịu nổi sức đàn áp của giặc Pháp, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Ngày 3/8/1875, thực dân Pháp đưa hai ông ra tử hình.

Ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mang tên Đỗ Thừa Luông tại Phường 1, TP. Cà Mau.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Trần Hiếu Hùng (trái) trao Bằng xếp hạng Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cảm phục trước hai vị lãnh đạo trẻ tuổi, người dân bí mật mang chôn cất tại làng An Xuyên. Đến năm 1925, con cháu họ Đỗ di táng phần mộ của hai ông về ấp Bùng Binh, xã Hòa Thành, TP.Cà Mau, thờ cúng tới nay. Truyền nhân họ Đỗ ở Cà Mau có khoảng 200 người, riêng tại ấp Bùng Binh đã có trên 20 hộ. Hàng năm, vào ngày 3/8 (âm lịch) là ngày giỗ chung của hai ông, được tổ chức trang trọng.

Hiện vật còn lưu giữ tại gia đình ông Đỗ Hồng Bào, nơi thờ cúng hai vị lãnh đạo nghĩa quân, là một văn bản xin di dời hài cốt của hai ông.

Truyền nhân họ Đỗ thờ cúng trang nghiêm hai ông Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự.

Mộ hai nghĩa quân Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự nằm phía sau vườn nhà cháu đời thứ 6 của hai ông, là ông Đỗ Văn Trình.

Năm 2010, con cháu, thân tộc họ Đỗ xây dựng “Dòng họ Khuyến học” và thành lập “Quỹ Khuyến học Đỗ Thừa Luông – Đỗ Thừa Tự”. Đây là Dòng họ Khuyến học đầu tiên trong tỉnh. Con cháu dòng họ Đỗ đã thể hiện quyết tâm phấn đấu mãi mãi xứng đáng với tổ tiên.

Để ghi nhớ và tri ân công lao của hai vị lãnh đạo nghĩa quân, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, tại Phường 1, TP. Cà Mau có hai con đường mang tên Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự và một ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia mang tên Đỗ Thừa Luông; tại huyện U Minh, căn cứ nghĩa quân năm xưa, đã xây dựng hai ngôi trường tiểu học mang tên Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *