Kinh tế tư nhân chờ động thái mới

Nhận thức mới

Việc khu vực kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân được chính thức công nhận đã tạo điều kiện, tiền đề tốt hơn cho sự phát triển của khu vực KTTN. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, KTTN ngày càng chứng tỏ được sức mạnh, là một trong các động lực phát triển đất nước.

Nói về khu vực KTTN, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Như vậy đã có sự nhấn mạnh rõ hơn, coi KTTN “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của các khu vực kinh tế nhìn từ phương diện sở hữu. Khu vực kinh tế nhà nước thông qua cổ phần hóa sẽ dần nhường chỗ cho khu vực KTTN thực hiện vai trò động lực tăng trưởng, vì chỉ có khu vực KTTN mới có thể có sự năng động, thích ứng nhanh với sự biến động của nền kinh tế thị trường.

Đặc biệt, khu vực KTTN thu hút đông đảo lao động toàn tỉnh và tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động mỗi năm, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, các DN ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của các DN ngày càng được mở rộng, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy vậy, nhiều DN vẫn còn khá băn khoăn khi các tổ chức tín dụng còn khá e dè với các phương án kinh doanh khi doanh nghiệp đặt vấn đề về vay vốn. Đó cũng là kiến nghị của các DN tư nhân.

Khu vực kinh tế tư nhân thu hút lượng lớn lao động và tạo thêm nhiều việc làm mỗi năm.

Hiệu quả từ công tác đối thoại

Thời gian qua, nhiều hội nghị đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện với công dân, DN trên địa bàn tỉnh được tổ chức. Đây là dịp để các nhà quản lý lắng nghe và giải đáp những vướng mắc trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Các cuộc đối thoại đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân và DN, trở thành cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân.

Ghi nhận tại các buổi đối thoại vừa qua cho thấy, đây thực sự là diễn đàn nhân dân, không mang tính hình thức, áp đặt, nên nhận được sự đồng thuận cao. Qua đối thoại, người dân và DN đã bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng một cách dân chủ, thẳng thắn trước các vấn đề bức xúc liên quan đến lợi ích chính đáng của người dân, DN: Trình tự, thủ tục thực hiện các quyền liên quan đến đất đai, tiêu cực trong cán bộ, công chức, tiếp cận vốn ưu đãi hỗ trợ khởi nghiệp…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi: “Hội nghị đối thoại là điều kiện để địa phương tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, DN”.

Việc tổ chức đối thoại với công dân, một mặt nắm được những suy nghĩ, nhận thức của người dân đối với các quyết sách của chính quyền; kịp thời giải quyết những bức xúc trong nhân dân, ngăn ngừa kịp thời những tư tưởng lệch lạc và định hướng đúng cho người dân, tạo sự đồng thuận cao để triển khai thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển của địa phương. Mặt khác, tiếp nhận sự phản hồi của nhân dân về tinh thần, thái độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức để có sự điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh: “Chính quyền tỉnh Cà Mau mong muốn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chia sẻ của DN trên tinh thần cầu thị, cởi mở, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ”.

Thông qua đối thoại trực tiếp với công dân và DN giúp cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc. Qua đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp, huy động sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải: Năm 2018 và những năm tiếp theo, tỉnh Cà Mau xác định nhiệm vụ trọng tâm là cải cách hành chính và đã đưa Trung tâm Giải quyết TTHC vào hoạt động đầu năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và DN. UBND tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành cùng DN, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển của các DN, các thành phần kinh tế của tỉnh. Tới đây, mỗi quý, tỉnh sẽ tổ chức giao ban với DN một lần; chủ động lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động. Tỉnh sẽ xây dựng chính quyền kiến tạo, đứng sau DN, hỗ trợ DN phát triển.

Giải pháp cho sự bền vững

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có 366 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 1.886 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 4.536 DN, tổng vốn đăng ký 31.484 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2018, tỉnh có 182 hợp tác xã. Đối với hộ đăng ký kinh doanh, đến ngày 31/7/2018, trên địa bàn tỉnh có 23.546 hộ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn đang hoạt động. DN và doanh nhân đã ngày càng phát triển, đóng góp tích cực trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng đầu năm 2018, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm gần 33.000 lao động.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn đối mặt với nhiều khó khăn: Lãi ngân hàng và chi phí đầu vào còn cao, thiếu lao động lành nghề, sản phẩm đầu ra không ổn định, tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm làm ảnh hưởng tiến độ thi công, DN còn những vướng mắc khi thực hiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau – ông Huỳnh Quốc Việt chia sẻ.

Ông Việt nhìn nhận: “Thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm; giải ngân một số nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, công tác cải cách TTHC tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo cải cách, nhưng vẫn còn hạn chế nên việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương còn nhiều bất cập. Chỉ số PCI của tỉnh những năm gần đây tuy có cải thiện, nhưng không đáng kể cũng làm ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *