Kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Thông tin tại phiên họp, ông Trương Đăng Khoa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của các cơn bão, mưa lớn vừa qua đã làm ngập úng 20.980ha lúa (trong đó có 228ha lúa – tôm), 267ha rau màu; làm sập 18 căn nhà và tốc mái 57 căn nhà; sóng to, gió lớn làm chìm 2 tàu cá (không có thiệt hại về người); xuất hiện thêm 5 vị trí sạt lở mới trên đê biển Tây với chiều dài 5.835m.

Thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng

“Mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao và kéo dài không những gây thiệt hại cho sản xuất, mà còn làm ngập và hư hỏng nặng nhiều tuyến đường giao thông, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân”, ông Trương Đăng Khoa nêu thực tế.

Huyện Trần Văn Thời là địa bàn trọng điểm của thiệt hại do mưa lớn gây ngập. Chủ tịch UBND huyện, ông Trần Tấn Công cho biết, qua rà soát đến ngày 29/10, trên địa bàn có 1.400ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 8.500ha thiệt hại trên 70%, hiện còn trên 3.400ha lúa hè thu trên địa bàn chưa được thu hoạch.

“Ngập trên diện rộng, thiệt hại nghiêm trọng. Đường giao thông, nhà dân đều bị ngập, sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Địa phương cần sự hỗ trợ trên 12 tỷ đồng để khắc phục tạm thời về hạ tầng, để tạo thuận lợi trong giao thông, nhất là việc đi học của học sinh”, đồng thời với kiến nghị về kinh phí, ông Trần Tấn Công kiến nghị cần đầu tư hệ thống trạm bơm lớn và nhiều hơn để giúp địa phương thao úng, khắc phục cũng như đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Cống Trùm Thuật Nam hư hỏng khá lâu nhưng chưa được khắc phục, chúng tôi phải thuê máy bơm để tháo úng, cũng vừa giảm áp lực phản ứng trong người dân”, ông Trần Tấn Công nói.

Tại huyện U Minh, ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn có 4.500ha lúa bị ngập, thiệt hại trên 877ha; 477ha cây ăn trái và 247ha rau màu, dây thuốc cá bị thiệt hại do ngập. Có đến 83 tuyến đường với tổng chiều dài 178km bị ngập.

Về tình hình ngập, hư hại hầu hết các tuyến đường trung tâm TP. Cà Mau, ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, hiện đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành dặm vá các vị trí hư hỏng khi nước rút. Tổng kinh phí sửa chữa các tuyến đường gần 30 tỷ đồng, trong đó được tỉnh chi hỗ trợ 22,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, qua khảo sát, TP. Cà Mau bị thiệt hại đường giao thông do ngập nước là nhiều nhất, với trên 50,4 tỷ đồng, còn nếu tính chung toàn tỉnh thì đợt thiên tai vừa qua gây hại đến hạ tầng giao thông hơn 141 tỷ đồng.

Về thiệt hại sản xuất, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, yêu cầu các địa phương tiến hành nhanh việc thống kê cụ thể, làm cơ sở để hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tái sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Khẩn trương khắc phục

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quân yêu cầu khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai; kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, chủ động thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho thiên tai; tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn các tuyến đê và các công trình thủy lợi khác.

Tiếp tục khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông bị sự cố sụt lún trên địa bàn tỉnh. Chú trọng, quan tâm và thường xuyên kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện các công trình giao thông bị hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn do ngập nước để kịp thời có giải pháp cảnh báo, sửa chữa, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và bảo vệ tốt kết cấu hạ tầng giao thông.

“Từ nay đến cuối năm sẽ là cao điểm của thiên tai, nhất là bão có khả năng dịch chuyển xuống phía nam, gây ảnh hưởng đến đất liền; cần chủ động trong thực hiện các giải pháp ứng phó, trong đó quan tâm đến sản xuất, khai thác trên biển, sạt lở ven biển…“, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Một nội dung quan trọng được nêu tại phiên họp là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt theo yêu cầu và trong tháng qua tiến độ bị chậm lại (trong tháng chỉ giải ngân thêm 129 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư công còn lại khá nhiều, bình quân mỗi tháng phải giải ngân gần 400 tỷ đồng – đây là một áp lực rất lớn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Đăng Khoa cho biết, nguyên nhân chậm chuyển biến vẫn là do vướng khâu giải phóng mặt bằng tại 12 dự án lớn, vướng khâu thủ tục tại 10 dự án.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *