Kỳ tích tìm dầu “độc nhất vô nhị”

Chuyện tìm dầu ở tầng đá móng

Tại buổi tọa đàm Kỷ niệm 30 năm Ngày khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên từ tầng đá móng tại tỉnh Cà Mau, TS. Ngô Thường San, Anh hùng Lao động – Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, kể lại câu chuyện tìm ra dầu trong móng mỏ Bạch Hổ, với sự xúc động xen lẫn niềm tự hào: Năm 1974, Mobil tìm ra dầu trong tầng Miocen qua giếng khoan thăm dò BH-1X. Tiếp quản kết quả này, ngày 24/5/1984, Liên doanh Vietsovpetro (VSP) tiếp tục thăm dò, khẳng định lại và chi tiết hóa sự tồn tại của dầu trong tầng 23 (Miocen) qua giếng khoan BH-5. Tuy nhiên khi thử vỉa, lưu lượng chỉ đạt 20 tấn/ngày. Năm 1985, tiếp tục thăm dò, VSP khoan BH-4 phát hiện tầng dầu mới nằm sâu hơn Miocen, đặt tên là tầng 24, thuộc Oligocen.

Cũng trong năm này, với tư duy hướng đến những đối tượng sâu hơn, BH-1 đã được khoan với thiết kế dự phòng đến 3.300m, trong khi độ sâu móng 3.150m. Khi khoan đến 3.118m dung dịch khoan không tuần hoàn lên bề mặt, chứng tỏ tại độ sâu này đá bị nứt nẻ mạnh làm mất dung dịch. Một giải pháp rất Việt Nam đã được áp dụng là trộn vỏ trấu vào dung dịch khoan để vỏ trấu bít, nhét các khe nứt hạn chế khả năng mất dung dịch.

Bằng giải pháp này, giếng BH-1 khoan được đến 3.178m, tức là vào móng 28m thì dừng. Rủi thay, do bít nhét vỏ trấu quá nhiều, hoặc thử vỉa không hiệu quả, kết quả thử tầng 24 thất bại, không cho dòng dầu. May là thử vỉa tầng 23 còn cho dòng dầu khoảng 100 tấn/ngày. Nhờ đó giếng này đã được đưa vào khai thác từ năm 1986. Ai cũng biết là giai đoạn này Việt Nam rất khó khăn, 1 tấn dầu bán đi, 1 đồng ngoại tệ về với ngân sách đều rất quý. Niềm vui có dầu chưa được bao lâu thì lo lắng ập đến. Các giếng khoan tiếp theo cho thấy tầng 23 không có triển vọng tốt. Giếng BH-1 sau 4 tháng khai thác đã giảm sản lượng đáng kể. Cần phải nói thêm là khi đó VSP mới có báo cáo khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ dựa trên số liệu 1 giếng khoan của Mobil. Tài liệu khí đó chưa đủ thông tin để xây dựng báo cáo trữ lượng và phương án phát triển mỏ đầy đủ. Tuy nhiên, với quyết tâm và tầm nhìn của các chuyên gia Liên Xô, VSP đã xúc tiến đầu tư cảng dịch vụ tổng hợp, khu nhà ở 5 tầng và đặc biệt là 2 giàn cố định MSP-1 và MSP-2. Nếu không tìm ra trữ lượng dầu khí đủ lớn để khai thác thì những đầu tư nêu trên coi như lãng phí. Chưa kể đến chuyện khó khăn ngày càng chồng chất khi đất nước không có được nguồn thu ngoại tệ quý báu mà tất cả đang hy vọng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Cà Mau cắt băng khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau, tháng 5/2018. Ảnh: KIM CƯƠNG

Tình trạng lúc đó được miêu tả thông qua hình tượng “ngọn lửa cháy leo lét ở faken giàn MSP-1” làm cho nhiều người không khỏi bùi ngùi. Đã xảy ra không khí “hoang mang, chán nản”; đã có câu hỏi truy trách nhiệm ai sáng tạo ra chủ trương xây dựng giàn MSP-1 và MSP-2; thậm chí đã có chuyện bãi miễn và điều chuyển một số cán bộ chủ chốt. Phải đến tháng 9/1988 mới xảy ra một sự kiện thực sự đã làm niềm vui của những người lao động dầu khí vỡ òa. Giếng BH-1 sau một thời gian khai thác, theo quy định đến giai đoạn phải tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa. Khi sửa chữa, đã có một quyết định táo bạo là khoan lại vào tầng móng. Kết quả sau khi khoan và rửa đáy giếng, xuất hiện dòng lên đến 2.000 tấn/ngày. Do áp suất quá lớn, Ban lãnh đạo VSP lúc đó đã quyết định khai thác luôn bằng cần khoan, đợi giảm áp rồi hoàn thiện giếng sau. Thế là tấn dầu đầu tiên được khai thác từ móng. Lúc đó là 10 giờ ngày 6/9/1988, một thời khắc lịch sử. Đến nay, có thể nói thân dầu trong móng nứt nẻ của mỏ Bạch Hổ được ghi nhận là lớn nhất thế giới, với chiều dày có nơi lên đến 1.500m. Sản lượng dầu từ móng mỏ Bạch Hổ, đến hết 2017, đạt hơn 180 triệu tấn, bằng 87% sản lượng toàn mỏ. Sản lượng dầu từ móng cho cả Việt Nam đạt hơn 220 triệu tấn. Nếu tính giá dầu trung bình cả giai đoạn là 50 USD/thùng, lượng dầu từ móng này đã mang lại doanh thu hơn 75 tỷ USD.

Với những công lao to lớn đó, đã có 49 tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụm công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”. Nhưng bên cạnh 49 cá nhân xuất sắc này, hàng ngàn kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà quản lý và người lao động dầu khí đã đóng góp sức mình cho bản hùng ca Dầu trong đá móng.

Ghi dấu son bản lĩnh và khát vọng

Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau được khởi công ngày 9/4/2006, tại xã Khánh An, huyện U Minh trên diện tích hơn 200ha, gồm các dự án chính: Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; hai Nhà máy Điện Cà Mau 1 & 2 và Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế vùng cực Nam Tổ quốc, đồng thời đó còn là tâm huyết và ước mơ cháy bỏng luôn khát khao chinh phục tầm cao mới của nhiều thế hệ người đi tìm lửa Việt Nam, hơn hết là khát vọng làm giàu của những người con Đất Mũi.

Bất cứ ai làm việc tại dự án Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau sẽ không thể nào quên được giây phút khi đường ống dẫn khí chính thức tiếp nhận dòng khí đầu tiên vào ngày 29/4/2007 một cách an toàn sau bao nỗ lực, cố gắng của cả chủ đầu tư và các nhà thầu. Đến ngày 20/3/2008, Nhà máy Điện Cà Mau 1 chính thức vận hành thương mại và ngày 23/12/2008, Nhà máy Điện Cà Mau 2 cũng vận hành thương mại, hòa thành công vào lưới điện Quốc gia. Đất nước có thêm một dòng điện mới, miền đất cực Nam của Tổ quốc có dòng điện sáng, Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ không còn lo sẽ thiếu điện nữa. Sau 4 năm khởi công, xây dựng, ngày 30/1/2012, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên mang thương hiệu “Đạm Cà Mau” trên thị trường, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng.

Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVCFC (thứ 2 từ trái qua), tại buổi Lễ vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động”, năm 2017.

Không thể kể hết những khó khăn mà tập thể người lao động đã vượt qua để được như ngày hôm nay. Trải qua nhiều giai đoạn khó khăn gian khổ, song mỗi bước đi lên đều ghi dấu bản lĩnh và khát vọng, để lại dấu ấn lịch sử đáng tự hào vì ngọn lửa dầu khí luôn được gìn giữ, lan truyền, tiếp nối qua từng thế hệ. Sau đó, vào ngày 9/3/2011, Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau trực thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 100% vốn chính thức thành lập để quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau nằm trong Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau. Ngày 30/1/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về thăm và dự lễ công bố sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau, qua đó, sản phẩm Đạm hạt đục Cà Mau chính thức có mặt trên thị trường.

Ngày 2/9/2013, tại Hà Nội, PVCFC đạt danh hiệu “TOP 100 Sao Vàng Đất Việt năm 2013”, tiếp tục khẳng định giá trị công ty, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng không chỉ là sản phẩm hàng đầu trong nước mà còn vươn ra thế giới. PVCFC còn lọt Top 100 Sao Vàng Đất Việt năm 2015, Thương hiệu Quốc gia năm 2016, N46Plus – Top 10 sản phẩm Tự hào trí tuệ Việt Nam 2017, Top 15 Báo cáo thường niên tốt nhất 2016, Doanh nghiệp vì người lao động 2017, Hàng Việt Nam chất lượng cao 2017, Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017, Top 10 sản phẩm thương hiệu Việt xuất sắc 2017…

Trong 7 năm hình thành và phát triển, PVCFC cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức: Giá ảnh hưởng do giá dầu thế giới giảm, thị trường và sức tiêu thụ giảm do hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long làm thu hẹp diện tích sản xuất, dư thừa nguồn cung, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn còn diễn biến khó lường, phân đạm giả kém chất lượng trà trộn vào thị trường, sự nhập khẩu ồ ạt của các sản phẩm phân bón ngoại…

Đạm Cà Mau đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt nhất, ngay từ khi mới chập chững gia nhập thị trường, nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi trong 7 năm qua và sự đồng lòng, kiên trì bền bỉ của tập thể Ban lãnh đạo cán bộ, công nhân viên, Đạm Cà Mau vẫn đứng vững, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh sớm hơn dự kiến, vươn lên là đơn vị chủ lực, đóng góp quan trọng cho Tập đoàn.Thu nhập bình quân của người lao động đạt mức tốt nhất trong Tập đoàn và có những bước đi chiến lược để phát triển và vươn xa hơn nữa trong thời gian tới. Cho đến nay, Đạm Cà Mau đã có những bước đi vững chắc, tiến đến vị thế là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam, đáp ứng 40% nhu cầu phân bón trong nước và là một trong những thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm Đạm Cà Mau đã có mặt ở khắp các thị trường Campuchia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Bangladesh, Nhật Bản… và được khách hàng đánh giá cao.

Trong cam kết nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, Đạm Cà Mau luôn ý thức được trách nhiệm thực hiện an sinh xã hội đối với cộng đồng. Trải qua 5 năm hoạt động, Đạm Cà Mau đã dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hàng ngàn căn Nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hàng vạn suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học và nhiều công trình công ích khác phục vụ cho đồng bào vùng sâu vùng xa khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *