Ký ức về những ngày hội non sông

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngày 19-7-1992, tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta diễn ra năm 1946, để bầu Quốc hội, bầu Chính phủ thật sự của toàn dân. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Duy Quờn (ngụ ấp Bà Điều, xã Lý Văm Lâm, TP. Cà Mau) vinh dự vừa đúng tuổi cử tri đi bầu cử, ông cùng nhiều thanh niên, người dân trong xóm hết sức xúc động. Ông Nguyễn Duy Quờn hồi tưởng: “Đây là lần đầu tiên người dân biết sử dụng quyền công dân nên nơi nơi đều như ngày hội lớn. Các ban bầu cử được thành lập tới tận ấp, xã. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri được như bây giờ, nhưng cử tri có thể biết, lựa chọn người xứng đáng thông qua quá trình hoạt động cách mạng của người ứng cử. Mặc dù mới mẻ, những nguyên tắc về bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín được quy định rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ, có thể thực hiện được ngay”.

Ông Nguyễn Duy Quờn trân trọng ký ức về lần đúng tuổi cử tri đi bầu cử vào cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước, năm 1946.

Ông Nguyễn Duy Quờn có nhiều năm là đại biểu HĐND từ cấp xã đến cấp tỉnh; từ năm 1981 – 1989, ông giữ nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Minh Hải. Vì thế, ông có điều kiện theo dõi những chuyển biến của tỉnh, của đất nước sau mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, HĐND. Ông vui mừng kể: “Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946, đến ngày 22/5 sắp tới là lần bầu cử thứ 14 mà cử tri cả nước được vinh dự bỏ lá phiếu của mình cho người có đủ đức, tài, đại diện cho tiếng nói của người dân tại Quốc hội. Mỗi kỳ Quốc hội lại có bước đổi mới khác nhau, làm tốt các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên trình độ dân trí ngày càng cao, vì vậy, đòi hỏi Chính phủ và Quốc hội phải luôn đi sát ý chí, nguyện vọng của dân, xây dựng những điều luật phù hợp với thực tế đời sống nhân dân”.

Những ngày qua được gặp gỡ, tiếp xúc với ứng cử viên Quốc hội và HĐND các cấp, cựu chiến binh Hồ Hải Tùng (79 tuổi, ở xã Định Bình, TP. Cà Mau) không giấu niềm phấn khởi. Vui hơn là khi thấy trình độ, năng lực của người ứng cử ngày càng được nâng lên, những người trẻ thể hiện được bản lĩnh trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cả cuộc đời ông Tùng đã có 55 năm hoạt động cách mạng, thời gian dài ở Tiểu đoàn 309. Sau niềm vui giải phóng đất nước, năm 1976, nhân dân trong tỉnh vinh dự cầm lá phiếu bầu đại biểu HĐND các cấp. Ông nhớ lại: “Tại các điểm bầu cử đều treo cờ Tổ quốc, bên dưới là ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên đầy đủ của các ứng cử viên. Không khí những ngày bầu cử rất nô nức, người dân rất háo hức khi được thực hiện quyền công dân”.

Cử tri Khóm 5, Phường 5, TP. Cà Mau tham gia bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Ảnh: MỸ LINH

Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đối với mỗi cử tri, việc cầm lá phiếu trên tay không chỉ là niềm vinh dự và tự hào, mà còn là sự trăn trở, làm sao chọn được người có tâm huyết, dám nói thẳng, nói thật và nói đúng. “Lá phiếu bầu đúng người đủ tài, đức và vì dân, chắc chắn sẽ mang lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân”, cử tri Nguyễn Văn Khiêm (67 tuổi, ngụ xã Định Bình, TP. Cà Mau) trăn trở. “Hồi trước khi còn tham gia ở Đại đội thông tin C3, Trung đoàn 26, Quân khu 4, chúng tôi thường bỏ phiếu bầu tại đơn vị, đảm bảo bí mật quân số, vẫn trên tinh thần trách nhiệm cao”, ông Khiêm kể và chia sẻ: “Tôi vinh dự trong hai nhiệm kỳ HĐND các cấp gần đây đều tham gia làm thành viên của tổ bầu cử, vừa thực hiện nhiệm vụ vừa làm công tác tuyên truyền, vận động bà con cử tri đi bỏ phiếu đầy đủ. Riêng gia đình tôi có 6 lá phiếu, các con tôi dù đi làm ở các huyện khác, song tới ngày bỏ phiếu là được “triệu tập” về để thực hiện quyền công dân”.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin, ông Lê Thắng, cử tri xã Hòa Tân, TP. Cà Mau, thấy rằng sau mỗi kỳ họp có rất nhiều dự án luật được xây dựng và ban hành, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nên đòi hỏi các vị đại biểu ngoài có tâm, tài, phải có dũng khí, dám nói thẳng, nói thật, đấu tranh vì chính nghĩa. Ông tin rằng, sau khi đắc cử, với năng lực, bản lĩnh của mình, các đại biểu sẽ góp phần chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Quốc hội, chính quyền các cấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cử tri, nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào Đảng, Nhà nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *